Không quân Mỹ phái máy bay do thám tới đảo ngoài khơi Venezuela

Không quân Mỹ đã phái 2 máy bay do thám đến một căn cứ ngoài khơi bờ biển Venezuela để thực hiện sứ mệnh chống tội phạm ma túy. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Washington đang tìm cách tăng cường “áp lực tối đa” lên chính phủ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Chú thích ảnh
Máy bay do thám E-3 Sentry của Không quân Mỹ. Ảnh: Sputnik

Theo đài Sputnik (Nga), Bộ Tư lệnh miền Nam của Mỹ (SOUTHCOM) cho biết một số máy bay thu thập thông tin tình báo, máy bay tiếp liệu của Mỹ chở theo khoảng 200 quân nhân đã bay đến Sân bay Quốc tế Curacao.

Theo đó, hai máy bay tuần tra, một chiếc E-3 Sentry (AWACS), một chiếc E-8 Joint STARS (JSTARS) cùng 2 máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 bay theo để hỗ trợ sẽ thực hiện nhiệm vụ phát hiện và giám sát trong không phận quốc tế nhằm giúp ngăn chặn, đánh bại các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy trong khu vực.

Trong khi tuyên bố không đề cập cụ thể đến Venezuela, nhưng có rất nhiều nghi vấn về mục đích thực sự của Washington vì hòn đảo Curacao chỉ cách bờ biển Venezuela khoảng vài chục km.

E-3 Sentry, một máy bay cảnh báo sớm trên không, đã được phát hiện bay tới Curaçao hôm 22/6, cùng một chiếc máy bay vận tải C-5 Galaxy có thể chở theo phi hành đoàn và các thiết bị hỗ trợ. 

Nhiều máy bay do thám và tuần tra hàng hải của Mỹ cũng được phát hiện ở vùng biển Caribean và thậm chí ngay ngoài khơi Venezuela, bao gồm máy bay săn ngầm P-3 Orion và máy bay trinh sát điện tử E-8 JSTARS.

Mỹ đã sử dụng các sứ mệnh chống buôn lậu ma túy để gây áp lực cho Chính phủ Venezuela, đặc biệt sau khi chính quyền ông Donald Trump đã thất bại trong việc ngăn chặn một lô dầu khổng lồ từ Iran đến quốc gia Nam Mỹ hồi tháng trước.

Vào tháng tư, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch chống ma tuý mới được tăng cường tại vùng Caribbean. Họ cho rằng những kẻ buôn lậu ma túy đang lợi dụng khủng hoảng do đại dịch COVID-19 để đẩy mạnh việc vận chuyển hàng cấm vào Mỹ.

Hồi tháng năm, 5 tàu chở dầu của Iran đã bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đến Venezuela. Trong bối cảnh căng thẳng với Washington và các mối đe dọa từ lệnh trừng phạt mới, một số tàu viện trợ khác đã phải quay trở lại, bao gồm 2 chiếc tàu gắn cờ Liberia.

Chú thích ảnh
Một tàu chở dầu của Iran đến Venezuela. Ảnh: Twitter 

Từ hồi tháng 1/2019, Venezuela đã cắt đứt quan hệ chính trị và ngoại giao với Mỹ sau khi chính quyền của Tổng thống Trump lên tiếng ủng hộ thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido tự phong làm “tổng thống lâm thời”. Kể từ đó, Mỹ liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm bóp nghẹt nền kinh tế Venezuela, cũng như hỗ trợ phe đối lập cực đoan nước này thực hiện hàng loạt các hành động gây bất ổn.

Chú thích ảnh
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, ngày 22/6, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Mỹ với điều kiện hai bên cần phải tôn trọng lẫn nhau.

Hải Vân/Báo Tin tức
Tổng thống Venezuela sẵn sàng đối thoại với Mỹ
Tổng thống Venezuela sẵn sàng đối thoại với Mỹ

Ngày 22/6, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định sẵn sàng đối thoại với chính phủ Mỹ với điều kiện hai bên cần phải tôn trọng lẫn nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN