Nội dung của ACE là tận dụng mạng lưới các căn cứ không quân có sẵn, các phi công đa năng, thiết bị sẵn sàng và khả năng nhanh chóng vận chuyển khẩn cấp bằng máy bay. Kết hợp với các hoạt động tiếp liệu, trang bị vũ khí và bảo trì máy bay, ACE mở rộng số lượng căn cứ mà từ đó các lực lượng không quân có thể thực hiện chiến đấu. Không quân Mỹ đã nói về vấn đề chuyển sang ACE vào năm 2017.
Về lý thuyết, điều này sẽ gây khó khăn và tốn kém đối với kẻ thù muốn tấn công. Tuy nhiên, viện nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) lại cảnh báo rằng chương trình này cũng có khuyết điểm.
Vấn đề nằm ở chỗ Không quân Mỹ cần một hệ thống hậu cần có thể hỗ trợ nhiều căn cứ trên một khu vực rộng lớn. Theo RAND, chiến dịch phân phối như ACE có thể là “chìa khóa tăng khả năng tồn tại”, tuy nhiên năng lực hỗ trợ chiến đấu hạn chế của Không quân Mỹ có thể ảnh hưởng đến số địa điểm được phân phối có thể hoạt động cùng lúc. RAND kết luận rằng chiến đấu cơ càng nằm rải rác thì thách thức đối với liên lạc và hỗ đỡ càng cao.
RAND cho rằng “phòng thủ mạnh, bị động” là cách hiệu quả nhất để nâng cao khả năng kháng cự của căn cứ không quân. Phòng thủ bị động bao gồm củng cố chỗ che chở cho chiến đấu cơ, đặt rải rác máy bay quân sự, nguồn cung nhiên liệu dồi dào, đạn dược sẵn sàng, năng lực sửa chữa đường băng nhanh chóng và các hình thức ngụy trang, che giấu.
Tuy nhiên, chỉ riêng phòng thủ bị động là chưa đủ. Thay vì chỉ cố gắng giúp các căn cứ vượt qua vụ tấn công, Không quân Mỹ cần kích hoạt phòng vệ để có thể thực sự bắn hạ các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.
Một lãnh đạo cấp cao của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương vào tháng 9/2021 nhận định rằng các hệ thống phòng không hạng nặng như Patriot không phù hợp với chiến dịch linh hoạt và cần có công nghệ mới. Một quan chức khác của lực lượng này vào tháng 1/2022 nhấn mạnh rằng ACE chỉ là một phần của giải pháp và Không quân Mỹ vẫn cần tìm cách đầu tư vào “hỗn hợp phòng thủ”.