Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ đang giảm tốc độ thiết kế và mua các tàu khu trục thế hệ tiếp theo để đảm bảo công nghệ mới như tia laser mạnh và tên lửa siêu vượt âm đã “chín muồi” trước khi tiếp tục sản xuất.
Đô đốc Michael Gilday, tham mưu trưởng Hải quân Mỹ cho biết lực lượng đã học được "khi di chuyển quá nhanh, chúng ta sẽ mắc phải sai lầm lớn”. Nhà phân tích quốc phòng tại Viện Hudson - Bryan Clark cho biết: “Họ không muốn khởi động chương trình trong đó chiến hạm được sản xuất trước cả khi công nghệ đã sẵn sàng”.
Hải quân Mỹ muốn thoát khỏi những sai lầm mắc phải trong đóng tàu gần đây. Một số tàu chiến mới được thiết kế ưu tiên tốc độ đang rơi vào cảnh “nghỉ hưu sớm” sau khi mắc phải hàng loạt vấn đề. Theo đó, Hải quân Mỹ ngỏ ý loại bỏ 9 tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom mới được đóng trong thời gian gần đây. Chi phí để đóng 9 tàu tác chiến ven bờ này lên tới 4,5 tỷ USD. Toàn bộ tàu tác chiến ven bờ lớp Freedom đều mắc lỗi lực đẩy bằng phản lực rất tốn kém để sửa chữa.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trị giá 13,3 tỷ USD đang phải tốn thêm chi phí cho máy phóng phi cơ mới. Các công nhân đã hoàn thiện việc đóng một tàu khu trục tàng hình nhưng sau đó hệ thống súng tiên tiến được lắp trên chiến hạm này lại bị loại bỏ.
Đối với tàu mới, Hải quân đang giảm rủi ro bằng cách tiến hành thêm thử nghiệm trên bộ và sử dụng hệ thống nhắm và radar từ các tàu khu trục mới nhất. Hải quân Mỹ cũng đang phối hợp với các nhà thiết kế và đóng tàu để lọc bản thiết kế, ước tính chi phí cũng như dự báo nguồn cung và nhân sự dành cho con tàu.
Tuy nhiên, có ý kiến lo lắng rằng lịch sử có thể lặp lại. Ông Loren Thompson tại Viện Lexington nhận định các lãnh đạo mới của Hải quân Mỹ đang xem xét nhiều chương trình và “họ có thể lặp lại lỗi tương tự”. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết Hải quân nước này đang đánh giá các ưu tiên và tìm kiếm không chỉ tàu khu trục mới mà còn cả tàu ngầm tấn công mới và thay thế tiêm kích F/A-18 Super Hornet.
Nhà phân tích Bryan Clark đánh giá Hải quân Mỹ đang ở vị trí khó khăn bởi chính quyền Tổng thống Joe Biden không mấy mặn mà với việc tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Riêng việc nghiên cứu và phát triển tàu khu trục, tàu ngầm, chiến đấu cơ cũng tốn 10-20 tỷ USD.
Đô đốc Gilday cho biết việc chuyển giao sang tàu khu trực mới nhiều khả năng sẽ bắt đầu trong “khung thời gian 2032”. Ở thời điểm này, các lãnh đạo Hải quân muốn giữ dây chuyền đóng tàu khu trục hiện nay bận rộn cho đến khi thiết kế sãn sàng.
Hải quân Mỹ vẫn lên kế hoạch trang bị một số công nghệ mới cho tàu khu trục. Trong tháng 2, Hải quân Mỹ đã trao hợp đồng tên lửa siêu vượt âm có thể phóng từ tàu khu trục trị giá 1,2 tỷ USD cho tập đoàn Lockheed Martin.