Iraq tìm kiếm hợp tác quân sự với Nga khi Mỹ chuẩn bị rút lui

Iraq đang bước vào một giai đoạn mới trong chính sách đối ngoại, khi liên minh do Mỹ dẫn đầu rút lui và các thách thức an ninh nội bộ vẫn còn nguyên. Việc tìm kiếm đối tác quân sự với Nga sẽ mang lại cơ hội cho Iraq cải thiện năng lực quốc phòng.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ trong liên minh quân sự được triển khai tại căn cứ Taji ở phía Bắc thủ đô Baghdad, Iraq. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trong bối cảnh liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chuẩn bị rút quân khỏi Iraq, Baghdad đang tìm kiếm các đối tác quốc tế mới để củng cố an ninh và đối phó với mối đe dọa khủng bố ngày càng phức tạp. Một trong những mục tiêu chính của Iraq là phát triển quan hệ đối tác quân sự với Nga, quốc gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tình báo và chống khủng bố. 

Với việc Mỹ rút quân và các lực lượng quốc tế giảm dần sự hiện diện tại Iraq, mối đe dọa khủng bố từ các nhóm cực đoan, đặc biệt là tại các khu vực biên giới với Syria, vẫn chưa được loại bỏ hoàn toàn. Chính phủ Iraq nhận ra rằng để ngăn chặn các tổ chức khủng bố tái xuất hiện, nước này cần xây dựng một hệ thống an ninh vững mạnh, dựa trên hợp tác quốc tế.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Nga Izvestia, Fadi al-Shammari, cố vấn chính trị của Thủ tướng Iraq, nhấn mạnh rằng Nga có thành tích đã được chứng minh trong việc chống khủng bố và có thể mang lại lợi ích to lớn cho Iraq về cả tình báo và quân sự.

Ông Al-Shammari cũng nhấn mạnh rằng hợp tác với Nga không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực an ninh, kinh tế và khoa học. Điều này cho thấy Baghdad đang xây dựng một chiến lược toàn diện để đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển đất nước.

Iraq đã có lịch sử hợp tác quân sự lâu dài với các nước thuộc khối Liên Xô trước đây, từ giữa thế kỷ 20 cho đến khi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ vào năm 2003. Theo chuyên gia quân sự Iraq Safaa Al-Asam, đây là một nền tảng mạnh mẽ để phát triển mối quan hệ quân sự hiện tại với Nga. "Mối quan hệ của chúng tôi với Moskva luôn rất tốt. Nga có thể cung cấp cho các đơn vị quân đội Iraq những loại vũ khí mà Iraq còn thiếu", chuyên gia Al-Asam nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Izvestia.

Trong bối cảnh này, Baghdad đang thảo luận về việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, một động thái có thể thay đổi đáng kể cán cân quyền lực khu vực và củng cố khả năng phòng thủ của Iraq. Theo chuyên gia quân sự và sĩ quan Lực lượng Vũ trang Iraq đã nghỉ hưu Saif Raad, việc ký kết hợp đồng này sẽ giúp Iraq đạt được "đòn bẩy lớn hơn" trong mối quan hệ với các cường quốc toàn cầu.

Việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, dự kiến hoàn tất vào tháng 9/2025, đánh dấu kết thúc một giai đoạn lịch sử trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Mặc dù Washington có thể tuyên bố rằng việc rút quân không phải là hoàn toàn, nhưng giảm hiện diện của lực lượng quốc tế vẫn sẽ tạo ra lỗ hổng trong an ninh của Iraq. Điều này khiến Baghdad phải tìm kiếm các đối tác mới để đảm bảo ổn định trong nước và duy trì an ninh quốc gia.

Ngoài Mỹ, Iraq cũng chịu ảnh hưởng lớn từ Iran, đặc biệt là thông qua các lực lượng dân quân được Tehran hậu thuẫn hoạt động trên lãnh thổ Iraq. Trong khi Mỹ và Iran vẫn đang cạnh tranh ảnh hưởng tại Iraq, Baghdad rõ ràng đang nỗ lực tìm kiếm đa dạng hóa trong các quan hệ đối ngoại của mình. Việc tăng cường hợp tác với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự và an ninh, là một bước đi chiến lược nhằm đảm bảo rằng Iraq không bị kẹt giữa cuộc đối đầu của các cường quốc, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo TASS)
Căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq bị tấn công
Căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq bị tấn công

Giới chức quân sự Iraq ngày 1/10 cho biết một căn cứ quân sự có lực lượng Mỹ đồn trú gần sân bay quốc tế Baghdad đã bị tấn công bởi ít nhất hai quả rocket.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN