Phát biểu trên truyền hình nhà nước, người đứng đầu AEOI Ali Akbar Salehi cho biết cơ sở mới được xây dựng hiện đại và rộng hơn, nằm ở trung tâm vùng núi gần Natanz. Ông Akbar Salehi nêu rõ đã triển khai những công việc ban đầu như lắp đặt trang thiết bị và xây dựng chuỗi hầm sản xuất phục vụ các máy ly tâm hiện đại. Máy ly tâm được sử dụng trong quá trình làm giàu urani.
Trước đó, ngày 2/7, AEOI thông báo đã xảy ra "sự cố" tại một cơ sở công nghiệp đang trong quá trình xây dựng ở Natanz, miền Trung Iran, song không gây thương vong và ảnh hưởng đến hoạt động tại tổ hợp hạt nhân này. Cuối tháng 8 vừa qua, AEOI xác nhận các cơ quan an ninh của Iran đã kết luận vụ nổ tại Natanz là "hành động phá hoại", song không nêu chi tiết.
Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), theo đó Teheran cắt giảm hoạt động hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía. Sau đó, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.