Trong tuyên bố, ông Kabashi loại trừ việc NCP tham gia chính phủ dân sự mới. Ông cũng khẳng định TMC sẽ tiếp tục bắt giữ tất cả những người liên quan tới các vụ án tham nhũng. Ông Kabashi loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giải tán hàng nghìn người đang tiến hành biểu tình ngồi trước tổng hành dinh của quân đội Sudan ở Khartoum. Ông cũng hối thúc người dân hỗ trợ TMC đưa cuộc sống trở lại bình thường sau cuộc chính biến.
Cùng ngày 14/4, Liên đoàn Arab (AL) ra tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với “những bước đi quan trọng” của TMC tiến tới sự chuyển tiếp chính trị tại Sudan. Tuyên bố nêu rõ AL ủng hộ những nỗ lực của TMC cùng các lực lượng chính trị và dân sự đạt được một sự đồng thuận quốc gia để thực hiện “những ước muốn và hy vọng của nhân dân Sudan”.
AL cũng hối thúc các bên tại Sudan kiên trì đối thoại, coi đây là “phương tiện duy nhất để đạt được sự chuyển tiếp chính trị mong muốn”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ mọi giải pháp mang tới sự ổn định của Sudan.
Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi người đứng đầu TMC Abdel-Fattah Al-Burhan thông báo một chính phủ dân sự của Sudan sẽ sớm được thành lập trên cơ sở đồng thuận cả nước. Ông cũng đảm bảo TMC chuyển giao toàn bộ quyền điều hành đất nước cho chính phủ dân sự do dân bầu ra sau thời gian chuyển tiếp kéo dài 2 năm.
Cùng ngày, Mỹ, Anh và Na Uy ra tuyên bố cho rằng đã đến lúc TMC và các lực lượng ở Sudan đối thoại về chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Đại sứ quán 3 nước tại Khartoum ra tuyên bố nêu rõ cuộc đối thoại này "phải được tiến hành một cách đáng tin cậy và nhanh chóng với sự tham gia của những người lãnh đạo biểu tình, phe đối lập, các tổ chức xã hội dân sự và tất cả các thành phần liên quan trong xã hội, bao gồm phụ nữ". Mỹ, Anh và Na Uy nhấn mạnh Sudan cần một sự chuyển tiếp có trật tự sang chế độ dân sự để sau đó tiến tới tổ chức một cuộc bầu cử trong một khuôn khổ thời gian hợp lý.