Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tiến hành các phiên tham vấn và có "những bước đi thích hợp" nếu CHDCND Triều Tiên thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh. Đây là khẳng định của Đại sứ Morocco tại LHQ, ông Mohammed Loulichki, đưa ra ngày 4/12 khi ông tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng 12 này.
Phát biểu với báo giới tại New York (Mỹ), Đại sứ Loulichki nhắc lại HĐBA đã thông qua các nghị quyết và tuyên bố chủ tịch đi kèm các nghĩa vụ mà Triều Tiên phải tuân thủ.
Vụ phóng vệ tinh hồi tháng 4 của CHDCND Triều Tiên đã thất bại. Ảnh: Internet. |
Trước đó, trong hai năm 2006 và 2009, cơ quan quyền lực của LHQ này đã thông qua các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng phát triển công nghệ hạt nhân và thực hiện các vụ phóng có sử dựng công nghệ tên lửa đạn đạo. Vì vậy, Đại sứ Loulichki nhấn mạnh HĐBA sẽ buộc phải có những hành động thích hợp nếu Triều Tiên kiên quyết thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh quan trắc Trái Đất Quang Kwangmyongsong - 3 trong khoảng thời gian từ ngày 10 - 22/12 tới như đã thông báo.
Trong khi đó, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc tái khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ trong các phản ứng sau khi Triều Tiên thực hiện vụ phóng vệ tinh.
Phát biểu sau cuộc họp ba bên ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington ngày 4/12, ông Shinsuke Sugiyama, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tuyên bố ba nước duy trì các kênh liên lạc, nhất trí phối hợp các phản ứng và đã cùng cân nhắc các phản ứng cụ thể trong trường hợp Triều Tiên phóng vệ tinh.
Ông cho biết ba nước chia sẻ sự quan ngại sâu sắc về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên và nhất trí tiếp tục các nỗ lực ngoại giao "cho tới phút chót", hợp tác với Trung Quốc và Nga để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ ý định này. Quan chức ngoại giao Nhật Bản này cũng cảnh báo nếu Triều Tiên phóng vệ tinh, cộng đồng quốc tế cần phải có các phản ứng mạnh mẽ dựa trên tuyên bố chủ tịch của HĐBA sau vụ phóng vệ tinh thất bại hồi tháng 4 vừa qua của nước này.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cho rằng việc Bình Nhưỡng thực hiện kế hoạch này có thể gây tác động tiêu cực tới các nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù thừa nhận vấn đề tên lửa đạn đạo không thuộc thẩm quyền của IAEA, song ông Amano nhấn mạnh cơ quan này biết rằng việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ ở Triều Tiên đang tiến triển dựa trên phân tích hình ảnh từ vệ tinh.
Mỹ cũng hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga gây sức ép với Triều Tiên. Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO, diễn ra ngày 4/12 tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nêu rõ Washington quan ngại sâu sắc về kế hoạch phóng vệ tinh của Triêu Tiên và hối thúc các nước kêu gọi Bình Nhưỡng tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ đối với HĐBA.
Canada cũng có những phản ứng tương tự khi Ngoại trưởng nước này John Baird cảnh báo Triều Tiên không nên thực hiện vụ phóng vệ tinh, coi đây là hành động mang tính khiêu khích, vi phạm các nghị quyết của HĐBA và là nguy cơ đe dọa an ninh và hòa bình trong khu vực.
Triều Tiên đã chính thức thông báo cho Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về kế hoạch phóng tên lửa đẩy Unha-3 mang vệ tinh quan trắc Trái Đất Quang Kwangmyongsong - 3 trong khoảng thời gian từ 10-22/12 tới. Đây sẽ là vụ phóng vệ tinh thứ hai trong năm nay của Triều Tiên, và diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm một năm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Phương Tây lo ngại rằng thực chất đây là một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.
TTXVN/Tin tức