Tên lửa của Triều Tiên đã lên bệ phóng

Kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh của CHDCND Triều Tiên tiếp tục khiến cộng đồng quốc tế lo ngại sau những động thái cho thấy nước này đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị phóng tên lửa đẩy Unha-3 ở căn cứ Dongchang-ri, trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22/12.


 

Nhật triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn PAC-3 đến Okinawa để chuẩn bị đối phó với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: Kyodo /TTXVN

 

Hãng Kyodo dẫn một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc ngày 3/12 cho biết, Triều Tiên đã đặt tầng thứ nhất của tên lửa ba tầng vào bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Sohae. Dù Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) liên tục khẳng định việc đưa vệ tinh Kwangmyongsong - 3 lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Unha-3 là nhằm mục đích hòa bình, nghiên cứu khoa học, nhưng Mỹ cùng các đồng minh lại cho rằng, tương tự vụ phóng thất bại hồi tháng 4/2012, đây là một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.


Ngày 2/12, đài NHK của Nhật Bản cho biết, Lực lượng Phòng vệ nước này đã bắt đầu triển khai các đơn vị tên lửa PAC-3 để bắn chặn các bộ phận từ tên lửa của Bình Nhưỡng. Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự đoán, tên lửa của Triều Tiên sẽ bay qua đảo Sakishima của Okinawa. Theo hãng Yonhap (Hàn Quốc), dù Triều Tiên đã thông báo trực tiếp cho Mỹ về vụ phóng tên lửa này từ hồi tuần trước, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố rằng việc phóng vệ tinh như vậy "sẽ là một hành động khiêu khích cao độ, đe dọa hòa bình và an ninh ở khu vực". Ngoài ra, việc phóng vệ tinh nêu trên sẽ bị coi là sự vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), theo đó cấm Bình Nhưỡng tiến hành bất cứ vụ phóng vệ tinh nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.


Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/12 kêu gọi Triều Tiên dừng kế hoạch trên, vì cho rằng vụ phóng sẽ vi phạm các chế tài do HĐBA LHQ áp đặt. Trung Quốc, nước vẫn được cho là đồng minh của Triều Tiên, cũng bày tỏ quan ngại và cho rằng, Triều Tiên có quyền sử dụng không gian vì mục đích hòa bình nhưng quyền đó cần được thực thi trong khuôn khổ giới hạn các nghị quyết của HĐBA LHQ.


Theo giới phân tích, tuyên bố phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên được đưa ra đúng thời điểm chuyển giao quyền lực ở 4 trong 6 nước tham gia đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Nhật Bản sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16/12 tới, Hàn Quốc sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 19/12. Trung Quốc cũng vừa mới hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới 10 năm 1 lần, còn Tổng thống Mỹ Barack Obama chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai. Quyết định của Triều Tiên được cho là tạo ra thách thức đối với người thắng cử, hoặc chính phủ mới tại những nước này.


Trần Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN