Hàn Quốc: Tên lửa Triều Tiên có thể bay tới Mỹ

Theo Tân Hoa Xã, sau khi phân tích các mảnh vỡ của tầng một chiếc tên lửa tầm xa mà CHDCND Triều Tiên vừa dùng để phóng vệ tinh hôm 12/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 23/12 tuyên bố rằng vụ phóng này là nhằm thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời cho rằng tên lửa của Triều Tiên có khả năng mang một đầu đạn nặng từ 500-600 kg bay hơn 10.000 km, tức là có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ.

Kết luận trên được đưa ra sau khi một nhóm gồm 42 chuyên gia về tên lửa và quân sự của Hàn Quốc đã kiểm tra phân tích 3,2 tấn mảnh vỡ hình trụ, có đường kính 2,4m, dài 7,6m, mà phía Hàn Quốc thu thập được từ biển Hoàng Hải sau vụ phóng của Triều Tiên. Cuộc nghiên cứu kéo dài từ ngày 14 tới 18/12.

Mảnh vỡ của tên lửa CHDCND Triều Tiên được chuyển lên tàu quân sự Hàn Quốc ở căn cứ hải quân Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN


Một quan chức giấu tên của Bộ trên cho biết tên lửa của Triều Tiên đã sử dụng axít nitơrích khói đỏ, vốn có thể cất giữ được trong một thời gian dài ở nhiệt độ thường như một chất xúc tác ôxy hóa.

Ông nhấn mạnh rằng các phương tiện để đưa các vật thể vào không gian, như tên lửa Naro-1 của Hàn Quốc, thường dùng ôxy hóa lỏng để làm chất xúc tác ôxy hóa. Vì vậy, quan chức này khẳng định: "Ý định của Triều Tiên là phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, hơn là phát triển một phương tiện phóng vệ tinh vào không gian".

Trong quá trình phân tích, các chuyên gia của Hàn Quốc cũng phát hiện rằng Triều Tiên đã sử dụng công nghệ tên lửa hiện nay để phát triển tên lửa đẩy - loại có thể tách bỏ từng phần thành công. Trên thực tế, trong vụ phóng vệ tinh nói trên, phần một của tên lửa đã rơi xuống biển Hoàng Hải, còn phần hai rơi xuống vùng biển phía Đông Philippines.

Cho đến nay, một số nước như Mỹ và Hàn Quốc vẫn cho rằng vụ phóng hôm 12/12 của Triều Tiên thực chất là "vỏ bọc" cho một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo, trong khi Triều Tiên liên tiếp nhấn mạnh rằng vụ phóng này là một nhiệm vụ khoa học nhằm đưa một vệ tinh vào không gian.

Trong một diễn biến mới nhất, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn một phát biểu của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un tại một bữa tiệc với các chuyên gia ngày 22/12, nhấn mạnh rằng vụ phóng vệ tinh vừa qua "đã chứng tỏ với thế giới về quyền hợp pháp và độc lập của Triều Tiên trong việc sử dụng không gian vào các mục đích hòa bình". Ông cũng cho biết thêm rằng tên lửa, vệ tinh và các thiết bị giám sát sử dụng hôm đó hoàn toàn do Triều Tiên tự sản xuất.

Trong phát biểu của mình, ông Kim Jong-Un đã đề nghị các nhà khoa học, các kỹ thuật viên... liên quan đến vụ phóng vệ tinh vừa qua "phải phát triển và phóng thêm nhiều vệ tinh nữa, trong đó có các vệ tinh viễn thông, và các tên lửa đẩy có các năng lực lớn hơn".


TTXVN/Tin tức

Triều Tiên có nhiều cơ sở làm giàu urani

Hãng Kyodo dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 21/12 cho biết thông qua phân tích hình ảnh vệ tinh và các phương tiện khác, nhà chức trách nước này và Mỹ khẳng định CHDCND Triều Tiên có nhiều cơ sở làm giàu urani, ngoài một cơ sở tại Yongbyon được Bình Nhưỡng giới thiệu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN