Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết một nhà khoa học hàng đầu của Google đã tham gia vào chương trình nghiên cứu tại Bắc Kinh về các ứng dụng cho chiến đấu cơ J-20 của quân đội Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), nghiên cứu tập trung vào công nghệ tương tác giữa con người và máy tính, tăng khả năng thao tác trên màn hình điện tử cũng như cải thiện mức độ chính xác.
Từ đó, phi công điều khiển chiến đấu cơ hoặc nhân sự vận hành hệ thống tên lửa phòng không có thể lựa chọn mục tiêu có tốc độ di chuyển nhanh trên màn hình cảm ứng một cách nhanh chóng và chuẩn xác.
Ngày 28/6, nhà khoa học chuyên về trí thông minh nhân tạo (AI) của Google là ông Shumin Zhai được liệt kê là một trong những nhân vật tham gia cuộc nghiên cứu trên.
Google sau đó xác nhận có tham gia nhưng nhấn mạnh không liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Người phát ngôn của Google ngày 3/7 cho biết: “Công trình nghiên cứu này giải quyết vấn đề chung của người sử dụng để tạo phương pháp tương tác với vật thể di chuyển trên màn hình cảm ứng. Công trình nghiên cứu này không hề đề cập đến ứng dụng quân sự. Nghiên cứu này là chìa khóa then chốt để cải thiện định vị ngón tay trong bất cứ ứng dụng nào”.
Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ngày 28/6 cho biết: “Nghiên cứu này sẽ có ứng dụng rộng rãi trong quân sự, y tế, giáo dục và giải trí điện tử”.
Trong chiến đấu cơ J-20, Trung Quốc đã lắp đặt màn hình cảm ứng 25 inch, lớn hơn 50% so với màn hình trên chiến đấu cơ F-22 của Mỹ. Màn hình cảm ứng của J-20 hiển thị thông tin về vũ khí, động cơ, tìm kiếm radar, định vị đường đi…
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia năm 2016, ông Cao Feng tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc cho biết phi công J-20 có thể sử dụng màn hình cảm ứng như một chiếc iPad, thực hiện thao tác phóng to và thu nhỏ các bức ảnh…
Tuy nhiên, việc lựa chọn vật thể di chuyển trên màn hình radar đôi khi khó khăn với các phi công. Họ cần theo dõi mục tiêu di chuyển nhanh một cách sát sao và lên kế hoạch về thời điểm tấn công do vậy thường có thể dẫn tới sai sót trong khi tham chiến.
Một số giải pháp để giải quyết vấn đề này được đề xuất như tạo biểu tượng mục tiêu với kích thước lớn hơn nhưng điều này có thể tác động tới tính nhất quán của màn hình hiển thị.
Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc đã đưa ra một giải pháp khác là phát triển thuật toán có thể dự đoán điểm đặt ngón tay trên màn hình khi người sử dụng định vị mục tiêu đang di chuyển. Do vậy, ngay cả khi người sử dụng chạm lệch mục tiêu thì chiếc máy vẫn dự đoán được khá chính xác mục tiêu được lựa chọn.
Một nhà nghiên cứu vũ khí AI giấu tên làm việc trong quân đội Trung Quốc cho biết có khả năng người nước ngoài thuộc công ty công nghệ quốc tế tham gia dự án liên quan đến quân sự của Trung Quốc.
Thông tin về việc nhà khoa học của Google làm việc tại Trung Quốc đã khiến các quan chức quân sự Mỹ không hài lòng. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford trong năm nay đã gặp gỡ các đại diện cấp cao của Google để bàn luận về nghi vấn này. Trong tháng 3, ông Dunford nêu rõ điều này sẽ gián tiếp mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc và gây khó khăn cho Lầu Năm Góc trong duy trì lợi thế cạnh tranh.