Phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu DGAP tổ chức ở Berlin ngày 27/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND), ông Bruno Kahl cho biết Liên bang Nga có thể tấn công Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong những năm tới, nhưng đó không phải là một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào các quốc gia châu Âu mà chỉ là một chiến dịch giới hạn.
Theo ông Kahl, Liên bang Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với phương Tây và đối đầu quân sự “trở thành một lựa chọn khả thi đối với Điện Kremlin”.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức cho rằng các lực lượng quân sự của Liên bang Nga có thể đủ khả năng, cả về nhân lực lẫn nguồn lực, để tiến hành một cuộc tấn công vào phương Tây vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, ông Kahl tin rằng đó sẽ không phải là một chiến dịch xâm nhập quy mô lớn vào các quốc gia NATO ở châu Âu, mà là một chiến dịch giới hạn - chẳng hạn như đánh chiếm hòn đảo Svalbard của Na Uy ở Bắc Cực để “dọn dẹp lãnh thổ” hoặc nhằm vào các nước vùng Baltic với lý do bảo vệ các cộng đồng người Nga thiểu số.
Xem video Mỹ khai trương một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan vào ngày 13/11/2024 với sự tham dự của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Căn cứ này được đặt tại thị trấn Redzikowo, gần bờ biển Baltic, và đã được lên kế hoạch từ những năm 2000. Nguồn: Reuters
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Liên bang Đức tuyên bố rằng các chiến dịch này nhằm làm suy yếu cam kết an ninh tập thể của NATO theo Điều 5 của Hiến chương NATO (quy định rằng bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể) và cuối cùng là phá vỡ NATO.
Theo đánh giá của tình báo Đức, trong giới lãnh đạo Liên bang Nga đang có những nghi ngờ về việc liệu nghĩa vụ hỗ trợ theo Điều 5 của Hiến chương NATO trong các tình huống khẩn cấp có còn hiệu lực hay không.
Ông Kahl tin rằng nếu những quan điểm này được củng cố trong giới lãnh đạo Liên bang Nga thì nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trong những năm tới sẽ gia tăng.
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Liên bang Đức nói thêm rằng Liên bang Nga sẽ cố gắng chia rẽ NATO trước khi một cuộc chiến có thể xảy ra, chẳng hạn bằng cách tìm cách lôi kéo từng quốc gia thành viên về phía mình.
Theo ông Kahl, nhà lãnh đạo Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thử nghiệm các giới hạn đỏ của phương Tây và tiếp tục leo thang.
Kênh thông tin RBC-Ukraine cho biết thêm chính quyền Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng Moskva sẽ không dừng lại ở Ukraine nếu giành chiến thắng trong cuộc chiến với Kiev.
Theo nhận định của Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky đưa ra trong bài phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 7/6/2024, các mục tiêu tiếp theo của Moskva có thể là các quốc gia vùng Baltic, Ba Lan hoặc khu vực Balkan.
Tình báo Estonia cũng cho rằng Liên bang Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới, có thể xảy ra trong vòng 10 năm tới và không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp với NATO. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ông Boris Pistorius, cũng nhận định rằng Liên bang Nga có thể tấn công NATO vào năm 2029.
Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 6/2024, hãng tin Reuters cho biết NATO đã xây dựng một kế hoạch phòng thủ trong trường hợp xảy ra tấn công từ Liên bang Nga.
Theo Reuters, NATO sẽ đặt ra các nhiệm vụ khó khăn hơn cho các thành viên nhằm củng cố hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và năng lực hậu cần. Ngoài ra, NATO đã phát triển các kế hoạch phòng thủ lớn đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Về phần mình, Liên bang Nga khẳng định muốn tránh xung đột quốc tế.
Ngày 27/11, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev khẳng định đã thông báo với phía Mỹ về việc sử dụng hệ thống tên lửa Oreshnik, nhằm tránh nguy cơ xảy ra xung đột quốc tế, trong bối cảnh Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên ở thành phố Dnipro của Ukraine sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung vào đây. Nguồn: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn với đài Al Arabiya, ông Medvedev cho biết: "Như chúng ta đã biết, chúng tôi đã thông báo cho phía Mỹ về việc sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mà họ gọi là Oreshnik, bởi vì chúng tôi có những thỏa thuận và nghĩa vụ với họ, nhằm tránh một cuộc xung đột quốc tế, một cuộc xung đột ở quy mô khác".
Về vấn đề khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Medvedev nhấn mạnh cần dựa trên thực tế và cho biết ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trong học thuyết hạt nhân cập nhật của Liên bang Nga đã được hạ thấp, có tính đến các rủi ro mà nước này phải đối mặt. Mặc dù nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân là cao, nhưng điều này không có nghĩa là không thể đảo ngược.
Ông Medvedev cũng khuyên Mỹ không nên nói về mối đe dọa hạt nhân từ Liên bang Nga, mà hãy nhớ về hành động của họ đối với Nhật Bản và xin lỗi người dân Nhật Bản.