Viện Kiel (Đức) ước tính EU cần tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine để thu hẹp khoảng cách nếu Mỹ vẫn vướng mắc trong vấn đề này.
Khoản tiền cuối cùng còn lại của Mỹ dành cho hỗ trợ quân sự đã cạn kiệt vào cuối năm 2023. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ ngày 13/2 đã bác bỏ dự luật về gói viện trợ, trong đó có hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, sau khi Thượng viện Mỹ trước đó cùng ngày đã thông qua.
Theo Bloomberg (Mỹ), báo cáo của Viện Kiel được đưa ra khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chuẩn bị gặp các nhà lãnh đạo Đức và Pháp vào ngày 16/2.
Nhà lãnh đạo Ukraine còn có kế hoạch phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào hôm 17/2 và tổ chức một loạt cuộc gặp song phương bên lề sự kiện này.
Khi xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ ba, trong khoảng thời gian từ ngày 1/11/2023 đến 15/1/2024, viện trợ quân sự mới được cam kết cho Kiev lên tới 9,8 tỷ euro, giảm so với mức 27 tỷ euro cùng kỳ năm trước. Viện trợ hiện tại tiếp tục được cung cấp bởi một số nhà tài trợ lớn, bao gồm các nước Bắc Âu, Đức và Anh, trong khi hầu hết các nhà tài trợ trước đây lại hứa hẹn rất ít hoặc không có động thái mới.
Báo cáo của Viện Kiel cũng lưu ý về khoảng cách lớn giữa dòng viện trợ đã hứa và thực tế từ EU và các quốc gia thành viên. Tiến sĩ Christoph Trebesch, giám đốc nghiên cứu tại Viện Kiel nhận định: “Các quốc gia EU nằm trong số những nước giàu nhất thế giới và cho đến nay, họ chưa chi thậm chí 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 để hỗ trợ Ukraine”.