Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Ngay bây giờ, Chính phủ sẽ thảo luận với các nhà sản xuất các hệ thống khác nhau để sẵn sàng đưa ra quyết định cụ thể".
Ông Scholz tái khẳng định sẽ thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của Đức đáp ứng mức mục tiêu tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mà Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đề ra, trong đó có việc mở rộng khả năng phòng không của cái gọi là “Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu” (European Sky Shield Initiative) với các quốc gia thành viên NATO khác.
Đức và hơn 10 đối tác khác trong NATO đang hướng tới việc mua chung các hệ thống phòng không. Trong số các lựa chọn đang được cân nhắc có hệ thống phòng không Arrow 3 của Israel, Patriot của Mỹ và IRIS-T của Đức.
Hồi tháng 11, một tên lửa rơi vào ngôi làng ở Ba Lan gần biên giới với Ukraine khiến 2 người thiệt mạng đã cho thấy những lỗ hổng của hệ thống phòng không NATO và thúc đẩy Đức triển khai hệ thống phòng không Patriot tại Ba Lan.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 7/12 cho biết sau khi thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht, ông chấp nhận việc triển khai hệ thống Patriot tại Ba Lan và kết nối tổ hợp tên lửa này với hệ thống điều khiển chung của Ba Lan.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức cho biết giới chức hai nước đã có cuộc trao đổi hiệu quả về đề nghị của Berlin triển khai hệ thống Patriot tại Ba Lan và nhất trí về mặt nguyên tắc. Địa điểm triển khai hệ thống, cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho hoạt động này đang được thảo luận ở cấp chuyên viên và một nhóm khảo sát thực địa sẽ sớm đến Ba Lan.