Theo báo Nikkei, tàu khu trục trên sẽ xuất phát từ Đức vào đầu mùa hè này và nhiều khả năng sẽ thăm Hàn Quốc và Australia.
Đây là động thái hiếm thấy vì Đức không sở hữu lãnh thổ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khác Anh và Pháp.
Vào mùa thu năm ngoái, nội các Đức đã thông qua một chiến lược mới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguyên tắc pháp luật và thúc đẩy các thị trường mở cửa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc triển khai tàu chiến là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện chiến lược mới này.
Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức Thomas Silberhorn trả lời phỏng vấn báo Nikkei: “Chúng tôi hi vọng sẽ thực hiện việc điều tàu vào mùa hè này. Chúng tôi vẫn chưa quyết định hành trình cụ thể nhưng chúng tôi đang nhắm tới Nhật Bản. Chúng tôi mong muốn thắt chặt quan hệ với các đối tác”. Ông Silberhorn cũng nhấn mạnh kế hoạch trên không nhắm vào cụ thể quốc gia nào.
Chiến lược mới hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức cũng tương tự như sự điều chỉnh chính sách của các nước châu Âu khác như Anh, Pháp và Hà Lan thời gian qua, nhằm tăng cường can dự vào khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng của thế giới.
Theo như các nguồn tin trong chính phủ và đảng cầm quyền cho biết, tàu chiến của Đức sẽ xuất phát từ một cảng ở miền Bắc nước Đức, lưu trú ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong một thời gian ngắn, cùng với các chặng dừng chân tại Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và một số địa điểm khác. Tàu chiến Đức cũng sẽ nhận tiếp tế hậu cần và tham gia tập trận chung tại các vùng lãnh thổ của Pháp ở khu vực này.
Vào năm 2002, một tàu hải quân Đức cũng đã ghé thăm cảng của Nhật Bản trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Trong khi đó, Anh đang chuẩn bị triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến châu Á. Một người phát ngôn Hải quân Anh trả lời Nikkei cho biết hàng không mẫu hạm này dự kiến khởi hành vào khoảng giữa tháng 4 và tháng 6 năm nay. Đây sẽ là một động thái mang tính biểu tượng trong chính sách của châu Âu đối với châu Á.