Ngoại trưởng Heiko Maas nêu rõ: "Để phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria, Chính phủ Liên bang sẽ không cấp thêm phép cho tất cả các trang thiết bị quân sự có thể được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tại Syria".
Trước đó, ông từng khẳng định với cuộc tấn công này, Ankara có thể gây mất ổn định hơn nữa trong khu vực cũng như dẫn tới sự trỗi dậy của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Nhà ngoại giao hàng đầu Đức nhấn mạnh Syria cần sự ổn định và một tiến trình chính trị, song cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ gây nên một thảm họa nhân đạo mới. Ông cho biết Berlin sẽ hối thúc Ankara chấm dứt chiến dịch để theo đuổi các lợi ích an ninh một cách hòa bình.
Theo Bild Am Sonntag, năm 2018, Đức đã xuất khẩu lượng vũ khí trị giá 243 triệu euro (268 triệu USD) cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương gần 1/3 tổng xuất khẩu vũ khí của Đức trị giá 771 triệu euro. Đức hiện là một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, cùng Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần tranh cãi về vấn đề các tay súng người Kurd. Trước đây, Washington luôn bảo vệ nhóm đối tượng này bởi YPG và Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được coi là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại khu vực chiến lược Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã có một sự thay đổi lớn trong chính sách khi Tổng thống Donald Trump thông báo rút quân khỏi Đông Bắc Syria, quyết định mang tính chất mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự vào khu vực này.
Hành động đưa quân vào nước láng giềng Syria lần này mà chưa được sự cho phép của Damacus, tương tự như chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” hồi năm 2016, có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. Syria coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus.