Theo trang tin Thenationalnews.com ngày 21/3, Đức cho biết Ukraine sẽ tự mua sắm vũ khí của họ với số tiền 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD) do các nước láng giềng châu Âu hỗ trợ, trong bối cảnh có nhiều tín hiệu trái chiều về các chuyến hàng vũ khí chuyển trực tiếp tới Ukraine.
Phát biểu khi đến dự một cuộc họp ở Brussels, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết 27 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng hỗ trợ, lưu ý rằng Ukraine cần thêm trang thiết bị quân sự liên quan đến cuộc xung đột với Nga.
Theo bà Baerbock, số tiền này sẽ được viện trợ để “Ukraine có thể mua vũ khí của riêng mình hoặc các quốc gia tiếp tục cung cấp vũ khí sẽ được hỗ trợ”.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht thông báo các lô hàng viện trợ trực tiếp từ các lực lượng vũ trang của Đức đã cạn kiệt.
Trong tháng này, Chính phủ Đức đã đồng ý gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không của quân đội nước này tới Ukraine, cũng như chấp thuận việc xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, một báo cáo của tờ Die Welt cho biết việc giao hàng của chính phủ Đức không như dự kiến, chỉ có 500 trong số 2.700 tên lửa Strela cam kết cho Ukraine thực sự được bàn giao vào đầu tháng 3/2022.
Các quan chức Đức từ chối bình luận về những chi tiết như vậy với lý do các lô hàng có thể trở thành mục tiêu cho các cuộc không kích của Nga ở Ukraine, một cảnh báo mà Ngoại trưởng Sergey Lavrov đưa ra vào tuần trước.
Bà Baerbock nói: “Chúng tôi sẽ không nói về nó trước công chúng bởi vì điều đó liên quan đến sự sống và cái chết".
Kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nhiều nước NATO đã gửi vũ khí đến Ukraine mà không vượt qua ranh giới đỏ của Liên minh do Mỹ đứng đầu rằng các lực lượng vũ trang của họ không được can thiệp vào cuộc chiến với Nga.
Kiev đã thất bại trong việc thuyết phục NATO thiết lập vùng cấm bay để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, nhưng đã mô tả các hệ thống phòng không như S-300 từ thời Liên Xô là một giải pháp thay thế nếu không thể phong tỏa bầu trời.