Hiện có 80 binh sĩ của quân đội Đức được triển khai cho nhiệm vụ của KFOR trong tổng số khoảng 3.700 nhân viên. Quyết định này đưa Đức trở thành nước đóng góp lớn thứ ba cho KFOR, sau Italy và Mỹ.
“Cam kết của chúng tôi với Kosovo và với khu vực Tây Balkan nói chung quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi vì chúng ta đang chứng kiến một cuộc xung đột tàn khốc ở giữa châu Âu”, Thomas Hitschler, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Đức, cho biết.
Ông Hitschler lưu ý thêm rằng việc gia hạn sứ mệnh trên cũng có lý do một phần là khả năng leo thang căng thẳng giữa Serbia và Kosovo, đặc biệt là ở phía Bắc.
Serbia hiện vẫn được cho là một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga trong khu vực. Chính quyền của Tổng thống Aleksandar Vučić cho đến nay vẫn từ chối đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva bất chấp những áp lực liên tục từ Liên minh châu Âu (EU).
“Trước những diễn biến này, hoạt động trong NATO sẽ tiếp tục đảm bảo lợi ích an ninh chiến lược của Đức trong khu vực”, ông Hitschler nêu rõ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh ở Tây Balkan, Chính phủ Đức cũng đã chọn đóng góp nhân sự cho lực lượng ổn định EU ở Bosnia (EUFOR-ALTHENA) - điều mà Đức đã không tiến hành kể từ năm 2012.