Sky News ngày 26/5 dẫn nghiên cứu của công ty tư vấn Bain & Company dựa trên dữ liệu có sẵn công khai. Theo đó, các nhà máy của Nga dự kiến sản xuất hoặc tân trang khoảng 4,5 triệu quả đạn trong năm nay, so với tổng sản lượng của phương Tây là khoảng 1,3 triệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc Moskva hiện sản xuất số lượng đạn pháo nhiều hơn ba lần so với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Số liệu do Bain & Company đưa ra cho thấy chi phí sản xuất trung bình một quả đạn pháo cỡ nòng 152mm của Nga là 1.000 USD, bằng 1/4 giá đạn 155mm mà NATO sử dụng có giá 4.000 USD.
Sky News nhấn mạnh tình trạng sản lượng đạn pháo của Mỹ và EU tụt hậu so với Nga đặt ra thách thức lớn cho quân đội Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga. Theo Sky News, quân đội Ukraine phàn nàn rằng họ chỉ có thể bắn một phát đáp trả cho mỗi 5 quả đạn pháo được phóng từ phía Nga.
Vào mùa thu năm 2023, Lầu Năm Góc xác nhận có kế hoạch tăng sản lượng đạn cỡ nòng 155mm từ 28.000 lên 100.000 quả mỗi tháng vào cuối năm 2025. Tháng 3 vừa qua, EU công bố rằng mục tiêu của khối là tăng công suất, sản xuất được 2 triệu quả đạn mỗi năm trong cùng khoảng thời gian với Mỹ.
Trong cuộc gặp với lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Nga hôm 25/5, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh sản lượng đạn dược sản xuất nội địa đã tăng gấp 14 lần, sản xuất thiết bị bay không người lái tăng gấp 4 lần và việc lắp ráp xe tăng cùng xe bọc thép cũng tăng gấp 3,5 lần kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát tháng 2/2022.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo rằng việc Mỹ và đồng minh chuyển vũ khí và đạn dược cho Kiev sẽ không ngăn Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình. Moskva đồng thời dự đoán điều này sẽ chỉ kéo dài cuộc giao tranh và có thể làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Theo các quan chức Nga, việc cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Ukraine cho thấy các quốc gia phương Tây trên thực tế đã trở thành bên tham gia cuộc xung đột.