Kênh truyền hình RT dẫn tuyên bố của Đại sứ Nga tại Đức Sergey Nechaev ngày 12/9 cho hay Berlin đã vượt qua điểm giới hạn cuối cùng với Moskva khi gửi vũ khí cho Ukraine. Nhà ngoại giao này nói thêm rằng động thái trên đã gây tổn hại đến nỗ lực hòa giải giữa hai bên suốt nhiều thập niên kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Đại sứ Nechaev cho rằng Berlin đã từ bỏ chính sách lâu năm của quốc gia này là không đưa vũ khí vào các khu vực có xung đột vũ trang, thay vào đó là cùng với Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đáp lại, Chính phủ Đức khẳng định nước này có trách nhiệm trong việc hỗ trợ Kiev.
Đức cũng tham gia vào nỗ lực chung của Liên minh châu Âu (EU) nhằm cô lập nền kinh tế Nga, mặc dù các doanh nghiệp Đức đã hoạt động phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga trong 5 thập kỷ qua.
Nhà ngoại Nga Sergey Nechaev nhấn mạnh: “Chính phủ Đức đã đơn phương hành động phá hủy mối quan hệ song phương đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Về bản chất, sự hòa giải sau chiến tranh của hai quốc gia và hai dân đang bị xói mòn”.
Theo nhà ngoại giao trên, các lệnh cấm vận nhằm vào Nga, liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, đã khiến chi phí tiêu thụ điện nước ở Đức tăng mạnh, giá tiêu dùng leo thang còn thu nhập thực tế lại đi xuống.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, với lý do Kiev không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao quyền độc lập cho các khu vực Donetsk và Lugansk.
Tháng 2/2022, Điện Kremlin chính thức công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass, đồng thời yêu cầu Ukraine giữ vai trò là quốc gia trung lập và không gia nhập bất kỳ khối quân sự phương Tây nào. Trong khi đó, Kiev khẳng định chiến dịch của Nga là hoàn toàn vô cớ.