Binh sĩ Ukraine bắn pháo trong cuộc xung đột với Nga gần Bahmut, vùng Donetsk. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Một báo cáo mới và toàn diện từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng vac An ninh (RUSI) có trụ sở tại Anh đã chỉ ra một thực tế đáng báo động: Nga đang vượt trội hơn đáng kể so với châu Âu trong cuộc đua sản xuất quốc phòng kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. Điều này đặt ra một thách thức chiến lược không nhỏ đối với khả năng răn đe của NATO.
Báo cáo mang tên "Chiến thắng trong cuộc chiến công nghiệp: So sánh Nga, châu Âu và Ukraine, 2022–24" tiết lộ rằng, mặc dù có nền kinh tế nhỏ hơn nhiều so với các thành viên NATO, Nga đã huy động thành công ngành công nghiệp quốc phòng của mình để sản xuất lượng thiết bị quân sự lớn hơn các quốc gia châu Âu cộng lại trong giai đoạn 2022-2024.
Các nhà phân tích Oleksandr Danylyuk và Jack Watling của RUSI cảnh báo: “Lợi thế liên tục của Nga trong sản xuất quốc phòng đặt ra nguy cơ chiến lược đối với NATO và uy tín về khả năng răn đe thông thường của liên minh. Nó gây ra rủi ro cho Ukraine, quốc gia mà các đối tác phương Tây đã có mối quan hệ chiều sâu chiến lược”.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của công nghiệp quốc phòng Nga
Nghiên cứu của RUSI cho thấy thành công của Nga bắt nguồn từ một kế hoạch huy động công nghiệp được triển khai hiệu quả ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến. Cách tiếp cận tập trung của Moskva đã cho phép sự phối hợp nhanh chóng trong toàn bộ lĩnh vực quốc phòng, với các tập đoàn nhà nước khổng lồ như Rostec, Roscosmos và Rosatom đóng vai trò then chốt.
Báo cáo chỉ ra mức tăng trưởng ấn tượng trong sản lượng của Nga:
Sản lượng đạn pháo 152mm đã tăng vọt từ 250.000 quả vào năm 2022 lên hơn 1,3 triệu quả vào năm 2024.
Sản lượng tên lửa hành trình Kh-101 tăng từ 420 đơn vị (năm 2023) lên hơn 500 đơn vị (năm 2024), trong khi tên lửa đạn đạo 9M723 tăng từ 250 lên hơn 700 đơn vị trong cùng kỳ.
Để đạt được sự mở rộng này, Nga đã đầu tư mạnh mẽ vào việc hiện đại hóa cơ sở sản xuất, chuyển hướng nguồn vốn từ khu vực dân sự và thực hiện các cơ chế tài chính đặc biệt. Điện Kremlin đảm bảo các doanh nghiệp quốc phòng tiếp cận được các khoản vay lãi suất thấp (5-6% mỗi năm) và cung cấp các ưu đãi về lương để thu hút lao động.
Báo cáo nhấn mạnh: “Giới lãnh đạo Nga đã quyết định tiến hành một cuộc chiến tiêu hao với Ukraine, dựa vào sự không sẵn sàng của Kiev và các đối tác phương Tây trong việc duy trì mức độ, tốc độ và thời hạn tài trợ cần thiết”.
Châu Âu "hụt hơi" trong cuộc đua sản xuất
Trái ngược hoàn toàn với Nga, các quốc gia châu Âu đã phải vật lộn để chuyển hóa nguồn vốn và ý định thành năng lực sản xuất quốc phòng cao. Mặc dù có nhiều tuyên bố mạnh mẽ và cam kết tài trợ sau cuộc xung đột, sản lượng thực tế vẫn ở mức thấp đáng thất vọng.
Sáng kiến của EU nhằm cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong vòng một năm chỉ đạt được một nửa mục tiêu, với các thỏa thuận khung thông qua Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) chỉ dẫn đến việc ký kết hợp đồng cho 80.000 quả đạn pháo mới. Phần lớn đạn dược được cung cấp đến từ các kho dự trữ hiện có đang cạn kiệt hoặc mua từ thị trường quốc tế thay vì mở rộng sản xuất.
RUSI xác định một số yếu tố chính dẫn đến hiệu suất kém của châu Âu:
Thiếu các kế hoạch huy động công nghiệp thống nhất và dữ liệu để hỗ trợ mở rộng quy mô nhanh chóng.
Cách tiếp cận theo thị trường, phân mảnh và thiếu sự phối hợp hiệu quả của chính phủ.
Không sẵn lòng cung cấp các hợp đồng dài hạn để hỗ trợ cho việc đầu tư năng lực.
Hiểu biết hạn chế về các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong lĩnh vực thuốc nổ và chất đẩy.
Rào cản pháp lý phức tạp làm chậm thời gian phản hồi.
Thiếu sự phối hợp đa quốc gia hiệu quả mặc dù chuỗi cung ứng phụ thuộc lẫn nhau.
Sự chênh lệch về chi phí cũng là một yếu tố đáng chú ý. Trong khi Nga cố định giá đạn pháo 152mm ở mức khoảng 1.000 đô la Mỹ một quả, thì đạn pháo 155mm tương đương của châu Âu hiện có giá từ 4.000 đến 8.000 đô la Mỹ một quả, hạn chế đáng kể mức độ hỗ trợ mà các đối tác của Ukraine có thể cung cấp trong phạm vi ngân sách cố định.
Báo cáo kết luận một cách thẳng thắn: “Đối với hầu hết châu Âu, thị trường đã chứng minh là một động lực rất kém để ứng phó với xung đột”.
Ukraine: "Ngựa ô" đầy tiềm năng trên đường đua vũ khí
Giữa những thách thức này, phân tích của RUSI xác định ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của Ukraine là một nhân tố tiềm năng thay đổi cuộc chơi đối với an ninh châu Âu. Bất chấp những hạn chế nghiêm trọng do giao tranh gây ra, Ukraine đã thể hiện khả năng phục hồi và đổi mới đáng kể trong việc mở rộng quy mô sản xuất quốc phòng.
Các nhà sản xuất Ukraine đã tăng gấp ba lần sản lượng vũ khí vào năm 2023 và tiếp tục mở rộng năng lực bất chấp các cuộc tấn công thường xuyên của Nga nhằm vào các cơ sở công nghiệp. Đến tháng 10/2024, gần một nửa số đạn dược mà lực lượng Ukraine sử dụng đã được sản xuất trong nước. Đáng chú ý, Ukraine hiện sản xuất cả đạn pháo theo tiêu chuẩn Liên Xô (152mm) và NATO (155mm), với giá đạn 155mm chỉ khoảng 1.500 đô la Mỹ một quả - rẻ hơn đáng kể so với giá ở châu Âu.
Hệ sinh thái sản xuất của Ukraine cũng chứng minh sự đổi mới vượt trội, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái (UAV). Quốc gia này hiện sản xuất hơn 100.000 UAV mỗi tháng thông qua hơn 120 công ty, đồng thời phát triển các hệ thống tác chiến điện tử tinh vi như Sky Fortress với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với phương Tây.
Báo cáo của RUSI nhấn mạnh các quan hệ đối tác thành công giữa châu Âu và Ukraine đã chứng minh được tiềm năng này. Đan Mạch đã tài trợ sản xuất 18 khẩu pháo tự hành Bohdan do Ukraine chế tạo chỉ trong vòng hai tháng. Vào tháng 9/2024, Đan Mạch ký thỏa thuận trị giá 630 triệu đô la Mỹ cho việc sản xuất vũ khí của Ukraine, với gần 440 triệu USD được tài trợ thông qua tài sản Nga bị đóng băng. Các sáng kiến tương tự đang hình thành với Litva, Na Uy, Latvia và Vương quốc Anh.
Báo cáo kết luận: “Với sự đầu tư và hợp tác thích hợp, 500 doanh nghiệp quốc phòng của Ukraine sử dụng 300.000 nhân sự có thể trở thành một thành phần quan trọng trong việc tăng cường an ninh châu Âu đồng thời hỗ trợ nền kinh tế và năng lực quốc phòng của Ukraine”. Các doanh nghiệp này đã đóng góp 1,5% vào mức tăng trưởng GDP 4,9% của Ukraine vào năm 2023.
Phân tích của RUSI đặc biệt khuyến nghị các liên doanh mà các nước phương Tây có thể cung cấp các thành phần và công nghệ nhạy cảm, trong khi Ukraine sản xuất các bộ phận khác với chi phí thấp hơn. Các quan hệ đối tác như vậy có thể tạo ra các thỏa thuận cùng có lợi để giải quyết tình trạng thiếu hụt sản xuất của châu Âu, đồng thời xây dựng năng lực công nghiệp của Ukraine.
Khi châu Âu phải đối mặt với viễn cảnh tự lực hơn trong bối cảnh có khả năng giảm sự hỗ trợ từ Mỹ, báo cáo kết luận rằng việc tích hợp năng lực sản xuất của Ukraine có thể là con đường hiệu quả nhất để nhanh chóng tăng cường an ninh châu Âu, đồng thời củng cố năng lực phòng thủ và khả năng phục hồi kinh tế của Ukraine.