Tàu khu trục USS Fitzgerald bị hư hỏng nặng. |
Ngày 17/6, tàu khu trục
USS Fitzgerald của Mỹ đã đâm phải một tàu hàng container Philippines ở ngoài khơi phía tây nam thành phố Yokosuka (Nhật Bản), khiến một phần thân tàu bẹp dúm, nước tràn vào các khoang bên trong, khiến 7 thủy thủ thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Vụ tai nạn đã dấy lên nghi ngờ về khả năng sẵn sàng chiến đấu của chiếc khu trục hạm tối tân trang bị tên lửa hành trình của Mỹ.
Theo lời hai chuyên gia quân sự trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Sputnik, “những vụ tai nạn như vậy thường là kết quả của việc một trong các bên vi phạm quy định quốc tế về ngăn ngừa đụng độ trên biển”.
Trong vụ tai nạn lần này xuất hiện yếu tố con người – sĩ quan trực ca trên tàu khu trục.
“Vụ va chạm xuất phát từ mạn tàu. Theo quy định quốc tế, tàu khu trục phải nhường đường, khi nhìn thấy tàu hàng Philippines bên phía mạn tàu. Vì nó không làm như vậy, nên lỗi tai nạn hoàn toàn nằm về phía chỉ huy tàu và sĩ quan trực ca”, chuyên gia Sivkov giải thích.
Với hư hỏng nặng sau vụ va chạm, tàu khu trục USS Fitzgerald sẽ phải mất một khoảng thời gian dài để sửa chữa.
Các chuyên gia tiếp tục: “Nhìn từ những bức ảnh chụp hiện trường, phần hư hỏng nặng xảy ra ở khu vực buồng lái tàu hoặc phòng chỉ huy trung tâm. Nó gần như bị phá hủy hoàn toàn. Điều này có nghĩa là hệ thống đảm bảo các hoạt động cần thiết của con tàu và quản lí trung tâm bị hư hại. Tàu khu trục đã mất khả năng chiến đấu”, chuyên gia Sivkov nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Hạm đội Bảy, thủy thủ đoàn đã rất nỗ lực để chiếc tàu không bị nước ngập vào bên trong.
Không chỉ có vậy, sau vụ việc lần này, nhiều người nghi ngờ về tính phù hợp chiến đấu của tàu khu trục lớp Arleigh Burke.
Tình trạng thiếu hụt sự bảo vệ tàu được minh chứng qua vụ tấn công năm 2000. Lúc đó, tại cảng Aden, trong khi đang nạp nhiên liệu, một tàu khu trục cùng lớp có tên gọi “Cole” đã bị một nhóm kẻ đánh bom liều chết đi trên một chiếc thuyền nhỏ mang theo chất nổ tấn công.
Vụ nổ đã khiến con tàu hư hại nặng, làm 17 người thiệt mạng và 39 người khác bị thương. Buồng lái và khoang động cơ bị nước tràn vào trong, trong khi lửa bùng phát dữ dội.
Theo chuyên gia Vladimir Yevseyev, những vụ tai nạn như vậy đã cho thấy một loạt các vấn đề mà hải quân Mỹ phải tìm cách giải quyết khi gặp đối thủ mạnh.
Tuy nhiên chuyên gia này cũng cho rằng muốn loại bỏ các vấn đề đang vướng mắc hiện nay thì Mỹ phải cần một khoản chi phí lớn, vì vấn đề này có thể gặp tương tự đối với loạt tàu khu trục cùng loại.
Một câu hỏi được đặt ra là những con tàu loại này của Mỹ có thực sự phù hợp cho tình huống chiến tranh thật sự và có thể bị đánh chìm hay không?
Chuyên gia Yevseyev cho rằng mặc dù tình huống một tàu khu trục Mỹ bị chìm khó có thể xảy ra, song đối với những vùng bờ như bờ biển gần Bán đảo Triều Tiên, thì có thể hiện hữu mối đe dọa cho những loại tàu này vì lớp đá sắc nhọn dưới nước.
Chính vì vậy, trong một tình huống giả định hạm đội Triều Tiên và tàu khu trục Mỹ đối đầu với nhau, tàu Triều Tiên có thể sẽ có lợi thế hơn tại vùng nước này nhờ tải trọng thấp.