Chuyên gia Nga đánh giá về nguy cơ xung đột quân sự giữa Kosovo và Serbia

Mối đe dọa xung đột quân sự ở Balkan đang hiện hữu, nhưng cơ hội ngoại giao vẫn tồn tại.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Serbia gần cửa khẩu Jarinje. Ảnh: Bộ quốc phòng Serbia

Theo hãng thông tấn TASS, đánh giá về căng thẳng leo thang giữa Serbia và Kosovo, Chủ tịch Hội đồng Vấn đề quốc tế Nga Andrey Kortunov ngày 1/8 cho rằng: Mặc dù hiện nay chính quyền Kosovo đã trì hoãn thực thi lệnh cấm đối với cấm biển số xe và giấy tờ tùy thân của người Serbia trong một tháng, nhưng điều quan trọng là phải đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Ông Kortunov nêu rõ, nguy cơ xung đột quân sự giữa Kosovo và Serbia vẫn còn, nhưng quyết định của Kosovo đã mở ra cơ hội để đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao có khả năng ngăn chặn một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.

Cụ thể, một chương trình hợp lý về hội nhập của Kosovo và Serbia với EU và xây dựng một lộ trình tương ứng có thể là một trong những giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng này.

"Hiện tại, còn quá sớm để nói rằng cuộc khủng hoảng đã được giải quyết. Đó chỉ là trì hoãn, và không phải là một số thay đổi cơ bản trong quan điểm của Kosovo. Điều rất quan trọng là sử dụng cơ hội này để tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết mối đe dọa về một cuộc đụng độ quân sự vẫn tồn tại", ông Kortunov nói.

Vị chuyên gia Nga lưu ý đến tuyên bố của Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Josep Borrell, người hoan nghênh việc trì hoãn và ngăn chặn kịp thời nguy cơ xung đột. Theo ông Borrell, vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại do EU làm trung gian và tập trung vào bình thường hóa toàn diện quan hệ giữa Kosovo và Serbia, điều này cần thiết cho sự hội nhập của họ vào EU.

Ông Kortunov tin rằng lộ trình hội nhập này có thể đạt được thành công nhất định trong thuyết phục các bên xung đột kiềm chế các hành động thù địch trực tiếp nếu triển vọng hội nhập vào EU đầy thuyết phục được đưa ra.

Ông Kortunov suy đoán: "Cả Serbia và Kosovo cần có một số lộ trình cụ thể, tốt nhất là xác định rõ ràng cho quá trình hội nhập của họ. Chúng ta biết rằng đã có tiền lệ trong EU về các quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ trong danh sách chờ đợi nhưng vẫn chưa gia nhập Liên minh cho đến ngày nay. Điều này, tất nhiên, làm suy giảm độ tin cậy của các đề xuất đến từ Brussels". 

Chính sách đối ngoại của Serbia là ​​gia nhập EU trong khi duy trì quan hệ hữu nghị với Moskva và Bắc Kinh, cũng như phát triển quan hệ với Washington. Belgrade có ý định duy trì tính trung lập về quân sự và tránh gia nhập NATO cũng như các khối quân sự và chính trị khác. Lập trường này dẫn đến sự phản đối từ phương Tây. Serbia đã nhiều lần được yêu cầu rằng chỉ có thể hội nhập châu Âu với hai điều kiện: công nhận nền độc lập của Kosovo và chấm dứt quan hệ hữu nghị với Nga. 

Trong khi đó, Kosovo, vốn tuyên bố độc lập vào tháng 2/2008, gần đây đã tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, bao gồm cả UNESCO và Interpol. Hồi tháng 5 năm nay, lãnh đạo chính quyền Kosovo Albin Kurti cho biết vùng lãnh thổ này muốn trở thành thành viên của NATO và EU. 

Vào tối 31/7, tình hình ở Kosovo trở nên phức tạp hơn sau khi trạm kiểm soát trên tuyến hành chính với Serbia bị đóng cửa. Đáp lại, người Serbia ở phía Bắc Kosovo đã xuống đường biểu tình và phong tỏa các tuyến đường chính. Lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu (KFOR) tuyên bố sẵn sàng can thiệp để ổn định tình hình.

Công Thuận/Báo Tin tức
Phản ứng của các bên khi căng thẳng leo thang giữa Serbia và Kosovo
Phản ứng của các bên khi căng thẳng leo thang giữa Serbia và Kosovo

Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Kosovo, Mỹ và EU phân biệt đối xử đối với người Serbia, trong khi NATO tuyên bố sẵn sàng can thiệp để duy trì hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN