Chiến lược đằng sau khái niệm 'Ấn Độ-Thái Bình Dương' của Tổng thống Trump

Trong suốt chuyến công du châu Á hồi tháng 11/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục nhắc đến cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" thay vì "châu Á-Thái Bình Dương".

Tổng thống Mỹ Trump đã nhắc lại nhiều lần thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” trong chuyến công du châu Á vừa qua. Ảnh: FPRI

Theo ông Felix K. Chang, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI), việc sử dụng liên tục thuật ngữ này của ông Trump khiến một số người suy đoán rằng đây có thể là một chiến lược mới của Mỹ trong khu vực.

Chỉ một tuần sau chuyến công du của vị Tổng thống Mỹ, Australia đã công bố sách trắng về chính sách đối ngoại mới, đưa thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" vào trong các mục tiêu chính của mình. Sách trắng đã đề cập cụm từ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" 74 lần và "châu Á-Thái Bình Dương" chỉ 4 lần. Trong khi đó, sách trắng về chính sách đối ngoại của Australia xuất bản năm 2003, đã đề cập đến thuật ngữ "châu Á-Thái Bình Dương" 26 lần và không hề nói đến "Ấn Độ-Thái Bình Dương". Rõ ràng, các nhà hoạch định chính sách đã có ý định nhấn mạnh cụm từ này.

Vậy thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" có khác gì so với "châu Á-Thái Bình Dương"? Ông Chag cho rằng, thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương" thể hiện cái nhìn rộng lớn hơn về khu vực, bao gồm Tiểu Lục địa Ấn Độ và đặc biệt là Ấn Độ. Tại sao lại có Ấn Độ? Có lẽ vì việc kết hợp một quốc gia lớn và có tầm quan trọng như Ấn Độ vào khái niệm truyền thống của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ giúp cân bằng đối với sức mạnh ngày càng tăng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Điều đó là có lý bởi vì Australia, Nhật Bản và Mỹ đã mời Ấn Độ tham gia các cuộc thảo luận về an ninh ở châu Á. Trở lại năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lần đầu tiên đề xuất chính thức hóa sự hợp tác đa phương qua "Đối thoại an ninh 4 bên". Ông Abe hy vọng sự hợp tác này sẽ thúc đẩy các mục tiêu an ninh chung của họ. Vào thời điểm đó, khái niệm này đã "biến mất" vì sợ làm "mất lòng" Trung Quốc. Nhưng hiện nay, vấn đề đó dường như ít được quan tâm hơn. Với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, bốn nước trên đã bắt đầu tham gia vào các cuộc tập trận chung dọc theo khu vực châu Á. Kể từ năm 2014, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân hàng năm từ vịnh Bengal đến Tây Thái Bình Dương. Từ năm 2015, Nhật Bản đã tham gia vào các cuộc tập trận quân sự Talisman Saber của Australia và Mỹ được tổ chức hai năm một lần.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, các liên minh an ninh chính thức của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương chỉ là những liên minh song phương, giữa Mỹ với Australia, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc. Mỹ cũng có quan hệ an ninh với Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và cho đến gần đây là Thái Lan. Tất cả các mối quan hệ an ninh khác trong khu vực đều khá mới mẻ, bao gồm cả mối quan hệ giữa Australia và Nhật Bản. Mặc dù cả hai nước dường đang xích lại gần nhau, nhưng mối quan hệ của họ vẫn vẫn chưa đủ mạnh.

Trong khi đó, Ấn Độ, vốn có quan hệ gần gũi với Liên bang Xô viết thời Chiến tranh Lạnh, đang phát triển mối quan hệ an ninh mới với Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Mỹ George W. Bush ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Độ năm 2005, mối quan hệ này chính thức bắt đầu. Nhưng sau đó, nó đã phát triển chậm vì sự dè dặt của nhiều người Ấn Độ, trong đó có cựu cố vấn quân sự thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Prakash Menon và cựu Ngoại trưởng Shyam Saran. Năm 2012, ông Menon và Saran cùng với một số chuyên gia an ninh hàng đầu của Ấn Độ, đã viết một bài phân tích chiến lược với tiêu đề "Phi liên kết 2.0"(Nonalignment 2.0), trong đó đánh giá không cao tầm quan trọng của mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ.

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo của quốc gia Nam Á này ít quan tâm đến việc giữ khoảng cách với Mỹ. Điều này được thể hiện qua việc Ấn Độ - một nhà nhập khẩu vũ khí lớn của Nga - đã bắt đầu mua các trang thiết bị quân sự của Mỹ và xem xét khả năng sở hữu các tàu chiến của Nhật Bản. Đặc biệt, Australia cũng đã bày tỏ mong muốn có mối quan hệ "gần gũi hơn với Ấn Độ trong sách trắng mới đây về chính sách đối ngoại của nước này.

Thuật ngữ "Ấn Độ-Thái Bình Dương là gì?" Trong trường hợp này, ông Chang kết luận, câu trả lời có thể là một chiến lược nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.

Vũ Thanh (TTXVN)
Tổng thống Trump tung video ấn tượng tổng kết chuyến công du châu Á
Tổng thống Trump tung video ấn tượng tổng kết chuyến công du châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổng kết chuyến thăm châu Á vừa qua của ông bằng đoạn video ấn tượng dài 45 giây đăng trên tài khoản Twitter cá nhân hôm 15/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN