Bộ trưởng Akar tuyên bố các lực lượng vũ trang của nước này đã hoàn thành tất cả các công việc chuẩn bị và vào thời điểm thích hợp, Ankara sẽ tiến hành chiến dịch quân sự ở Manbidge và phía Đông sông Euphrates tại Syria.
Hồi tháng 12/208, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thông báo ý định mở chiến dịch tại bờ Đông sông Euphrates nhằm chống lại Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Các Lực lượng dân chủ người Kurd (SDF). Ankara cho rằng lực lượng này là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã bị nước này cấm hoạt động.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành hai chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria gồm “Lá chắn Euphrates” và “Nhành Ôliu”.
Liên quan đến tình hình thực địa tại Syria, người phát ngôn của SDF Mustafa Bali cho hay hàng nghìn tay súng tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng vẫn đang cố thủ tại thành trì cuối cùng của chúng tại miền Đông Syria, dùng người thân và dân thường làm "lá chắn sống". Đây là nguyên nhân khiến lực lượng được Mỹ hậu thuẫn không thể đẩy nhanh cuộc tấn công nhằm giảm phóng khu vực trên.
Trong khi đó, một tổ chức cứu trợ nhân đạo cho biết từ cuối tuần trước, khoảng 10.000 dân thường đã chạy trốn khỏi thành trì của IS và đang phải sống trong cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm nghiêm trọng.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp thông báo sẽ cho phép các phần tử cực đoan mang quốc tịch Pháp bị lực lượng người Kurd tại Syria bắt giữ trở về nước nhằm ngăn chặn những đối tượng này bỏ trốn. Đây được coi là sự thay đổi trong chính sách của Paris sau khi Mỹ thông báo kế hoạch rút quân tại Syria.
Tuyên bố của của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ do diễn biến của tình hình quân sự tại Đông Bắc Syria, những quyết định của Mỹ, và để đảm bảo an ninh của Pháp, nước này đang xem xét mọi lựa chọn để tránh việc các phần tử nguy hiểm này có cơ hội bỏ trốn và gieo rắc các nguy cơ an ninh.
Theo nguồn tin an ninh, 130 đối tượng là công dân Pháp tham gia thánh chiến tại Syria có thể bị hồi hương.