Trung Quốc đang trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của riêng mình nhằm cạnh tranh với chiến đấu cơ đa năng F-35 của Mỹ và T-50 của Nga.Mặc dù Trung Quốc rất bí mật về chi tiết các tính năng kỹ chiến thuật của máy bay thế hệ thứ 5, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, loại máy bay này có thể thay đổi cuộc chơi trong môi trường an ninh mong manh ở Đông Á.
Máy bay Chengdu J-20 của Trung Quốc gần đây đã trải qua vòng lên nguyên mẫu thứ 4. Hôm 26/7, phiên bản mới nhất của nó đã bay trong vòng 2 giờ trước khi hạ cánh thành công.
Thông tin về J-20 rất ít, nhưng nguồn tin từ một chính phủ tại châu Á xin được giấu tên nói với IHS Jane's - một trang tin chuyên về lĩnh vực quân sự, an ninh và quốc phòng - rằng việc nâng cấp 20 chiếc J-20 có thể đã được Trung Quốc thực hiện trong thập kỷ qua.
Máy bay thế hệ thứ 5 J-20 của Trung Quốc. |
J-20 đã được phát triển nhanh chóng từ nguyên mẫu tài liệu đầu tiên của nó vào năm 2011 Mỗi mẫu tiếp theo có một số cải tiến thiết kế giúp máy bay tránh bị radar đối phương phát hiện. Những thay đổi này bao gồm kích thước cánh của máy bay và điều chỉnh các cửa hút không khí để tối đa hóa khả năng tàng hình.
Rất có thể Trung Quốc cũng đang tích hợp cho J-20 một radar quét điện tử chủ động (AESA) trong mũi máy bay. AESA là hệ thống có khả năng phát sóng mạnh ở một loạt các tần số cho phép máy bay có thể tàng hình tốt khi hoạt động. Và việc sử dụng AESA trong mũi của J-20 đánh dấu một sự tương đồng nổi bật với thiết kế của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Mỹ.
Các điểm tương đồng giữa F-35, F-22 và J-20 có khả năng không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chuyên gia hàng không Carlo Kopp lưu ý rằng Trung Quốc bắt chước các mô hình cơ bản và thiết kế khung của máy bay hiện có để tăng tốc độ phát triển đồng thời giảm thiểu nguy cơ thất bại về mặt kỹ thuật đầy tốn kém.
"Bằng cách khéo léo khai thác các quy tắc thiết kế máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại do Mỹ phát triển, các kỹ sư của Trung Quốc tại Thành Đô có thể đã nhanh chóng có được một thiết kế cơ bản trong khi giảm thiểu những rủi ro và chi phí, đồng thời tăng đáng kể khả năng tàng hình", ông Kopp cho biết.
Như vậy, nếu khai thác các lợi thế trên một cách hiệu quả, J-20 có thể đạt được khả năng tàng hình ngang, thậm chí còn hơn cả F-35. Khả năng tàng hình này có thể đặt tất cả các khu vực ở Đông Á vào vùng nguy hiểm- các hệ thống phòng không được tích hợp trong khu vực dựa chủ yếu vào các loại radar mà có lẽ không có khả năng phát hiện J-20.
Trung Quốc có thể sẽ không thừa nhận về khả năng tấn công vượt trội của loại máy bay này trong một khu vực mà căng thẳng đang gia tăng. Chi tiết chính xác về nhiên liệu và tầm bay của J-20 vẫn chưa được tiết lộ, nhưng ước tính nó có thể bay trong phạm vi khoảng 1.800 km, đặt các sân bay của Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines trong tầm với của Trung Quốc. Ngoài ra, J-20 cũng có thể giúp Trung Quốc giành được lợi thế trong các hoạt động giám sát.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được cho là còn một chặng đường dài ở phía trước để phát triển một động cơ bản địa cho máy bay. Theo ông Reuben F. Johnson, một nhà phân tích hàng không vũ trụ quân sự về Nga và Trung Quốc, trước khi tự chế tạo được động cơ máy bay, Trung Quốc có thể sử dụng động cơ nhập khẩu từ Nga.
Cuối cùng, chất lượng tổng thể của một chiếc máy bay mới là vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới tính hiệu quả của nó. David Cenciotti, một chuyên gia hàng không quân sự và người sáng lập trang tin Aviationist cho biết: "Chúng tôi không biết nhiều về [J-20], nhưng có thể nói rằng vấn đề ở đây không phải là công nghệ, trang bị vũ khí hay thiết bị trên máy bay. Về mặt lý thuyết, J-20 có thể sánh ngang với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của phương Tây trong một cuộc đối đầu, nhưng một cuộc chiến thực tế với sự tham gia của các thủ tục kiểm soát lượng khí thải và cảnh báo sớm trên không sẽ là rất khác nhau".
Và, như ông Cenciotti cảnh báo, huấn luyện và hậu cần có thể là yếu tố quan trọng nhất. Nếu Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề này thì họ sẽ có một máy bay chiến đấu có khả năng vượt qua các hệ thống phòng không hiện đại của các đối thủ và thậm chí còn phù hợp hơn so với chi phí cả nghìn tỷ USD của dự án F-35.
Công Thuận (Theo B.I)