Đó là một trải nghiệm đóng vai trò quan trọng giúp ông Isaias lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập từ Ethiopia. Eritrea chính thức trở thành một quốc gia độc lập vào tháng 5/1993. Kể từ đó đến nay, Eritrea được dẫn dắt dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Isaias Afewerki.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả Tổng thống Isaias là “người bạn cũ của Trung Quốc”. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Tổng thống Eritrea nằm trong số hàng chục nhà lãnh đạo đương nhiệm và đã rời nhiệm sở của châu Phi từng theo học tại các trường quân sự của Trung Quốc như Trường Chỉ huy Quân giải phóng nhân dân (PLA) ở Nam Kinh – nơi có số lượng sinh viên châu Phi đông nhất. Một cựu du học sinh khác khá nổi tiếng của ngôi trường này là Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa.
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), trong các cựu du học sinh châu Phi tại Trường Chỉ huy PLA ở Nam Kinh còn có tám bộ trưởng quốc phòng, cựu Tổng thống CH Congo Laurent Kabila, cựu Tổng thống Guinea-Bissau Joao Bernardo Vieira, cựu Tổng thống Namibia Sam Nujoma và cựu Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete.
Trường Chỉ huy PLA ở Nam Kinh là một trong những địa điểm hàng đầu tại Trung Quốc cung cấp chương trình đào tạo cho số lượng sinh viên châu Phi ngày càng tăng. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đánh giá Trung Quốc trở thành điểm đến chính của giáo dục quân sự chuyên nghiệp châu Phi. Một trường quân sự khác Cao đẳng Quốc tế nghiên cứu quốc phòng (ICDS) đôi khi có gần một nửa sinh viên đến từ châu Phi, trong khi Đại học Quốc phòng PLA (PLA NDU) hàng năm tiếp nhận hàng trăm sĩ quan châu Phi.
Cựu sinh viên châu Phi của PLA NDU gồm có cựu Tổng thống Congo Joseph Kabila và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Uganda David Muhoozi. Từ năm 2015, Ethiopia đã cử các sĩ quan cấp cao sắp trở thành tướng lĩnh tham gia các khóa học sau đại học tại PLA NDU.
Theo nghiên cứu của chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược châu Phi trụ sở ở Mỹ - ông Paul Nantulya, trước thời kỳ đại dịch COVID-19, khoảng 6% hay 6.000 trong số khoảng 100.000 cơ hội đào tạo Trung Quốc dành cho châu Phi ba năm một lần thông qua Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) là dành cho giáo dục quân sự. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã tác động làm giảm mạnh con số này.
Ông Paul Nantulya nói rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc đã gợi ý cấp độ đào tạo trước đại dịch sẽ được nối lại “càng nhanh càng tốt”. Trong chuyến thăm 5 quốc gia châu Phi vào tháng 1, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó Tần Cương cho biết Bắc Kinh sẽ “đẩy nhanh việc thúc đẩy các hoạt động trao đổi giữa Trung Quốc và châu Phi, bao gồm cả giáo dục quân sự” như một ưu tiên hàng đầu.
Ông David Shinn tại Trường Quan hệ Quốc tế Elliott thuộc Đại học George Washington (Mỹ) nhận định việc đào tạo ở Trung Quốc gần như ngừng hoạt động trong đại dịch COVID-19, nhưng khi mọi thứ trở lại bình thường, các chính phủ châu Phi đang tận dụng tối đa lợi thế. Ông nói: “Trung Quốc ngày càng được coi là một nguồn thay thế cho việc đào tạo của phương Tây”.
Ông Shinn còn nhấn mạnh rằng khi thiết bị quân sự của Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trong quân đội châu Phi, thì có lý do để người ta ưu tiên huấn luyện với nó. Theo ông Shin, việc đào tạo mở ra cơ hội để trình diễn thiết bị quân sự của Trung Quốc và hình thành khả năng bán những thiết bị này cho các chính phủ ở châu Phi.
Theo ông Nantulya, quân đội châu Phi đánh giá cao việc Trung Quốc cung cấp nhiều học bổng hơn các nước phương Tây. Ông nói: “Các sĩ quan châu Phi không phải trải qua quá trình kiểm tra trước khi đăng ký vào trường quân sự Trung Quốc như điều họ gặp phải ở các trường của phương Tây”.
Giáo sư Ngboawaji Daniel Nte tại Đại học Novena (Nigeria) cho rằng Trung Quốc đã xác định hợp tác quân sự và huấn luyện quân sự là những lĩnh vực chính trong quá trình mở rộng sang châu Phi.
Tuy nhiên, ông Nantulya lại đề cập đến việc Trung Quốc chưa thể sánh ngang với các nước phương Tây về hiện diện quân sự ở châu Phi. Mỹ, Anh, Pháp mỗi nước có ít nhất 50 tùy viên quân sự tại châu Phi còn Trung Quốc có 21. Các nước phương Tây có hơn 50 căn cứ quân sự và cơ sở khác ở lục địa Đen, riêng Mỹ là 27, nhưng Trung Quốc chỉ có một.
Về giáo dục quân sự chuyên nghiệp ở châu Phi cũng vậy. Pháp, Mỹ và Anh tiến hành ít nhất 40 chương trình quanh năm với các trường cao đẳng và học viện quốc phòng ở châu Phi, trong khi Trung Quốc chỉ duy trì giảng viên và “các phái đoàn huấn luyện” ở hai quốc gia là Zimbabwe và Tanzania.
Giáo sư dự bị Lina Benabdallah tại Đại học Wake Forest (Mỹ) đánh giá Mỹ, Ấn Độ, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và những nước khác muốn thực hiện đào tạo trên lãnh thổ châu Phi vì cho rằng nó hiệu quả về chi phí. “Thay vì đưa hàng trăm sĩ quan bay đến Mỹ và phải chi trả kinh phí ăn ở, việc cử một nhóm giảng viên đến các quốc gia này thực hiện đào tạo tại chỗ sẽ tiết kiệm hơn nhiều”, bà Benabdallah nói.
Nhưng đối với Trung Quốc, bà Benabdallah cho rằng “có một mục tiêu ngoại giao mềm đi kèm với việc mời các sĩ quan châu Phi đến Trung Quốc để tham gia khóa đào tạo này”. Bà phân tích những sĩ quan này được đi khắp Trung Quốc, thăm các trường đảng, căn cứ quân sự và gặp gỡ nhiều người hơn so với việc một nhóm năm người từ Trung Quốc đến các quốc gia châu Phi để đào tạo.