Quan chức quốc phòng của Trung Quốc và các quốc gia châu Phi trong tuần qua đã kết thúc diễn đàn an ninh cấp cao trong đó cam kết đẩy mạnh mối quan hệ quốc phòng trong đó bao gồm cả tăng doanh số vũ khí “mMade in China” sang lục địa Đen.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển), tổng lượng nhập khẩu vũ khí của các quốc gia châu Phi đã giảm 22% từ năm 2013-2017 nhưng cùng thời kỳ này lượng vũ khí Trung Quốc “đổ về” châu lục này lại tăng 55%.
Tính trong cùng thời kỳ, vũ khí từ Nga xuất khẩu tới châu Phi đã giảm 32%. Ngoài ra, 11% vũ khí xuất khẩu đến châu Phi có nguồn gốc từ Mỹ.
Dưới đây là tổng hợp về những loại vũ khí Trung Quốc đã chuyển giao và nghiệm thu cho các quốc gia châu Phi.
Tăng thiết giáp
Riêng trong năm 2013, Trung Quốc xuất khẩu 24 xe tăng tới Tanzania và 30 chiếc cùng loại tới CH Chad. Tập Đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (Norinco) – đơn vị sản xuất vũ khí trực thuộc nhà nước - đã sản xuất xe tăng VT4 chuyên dành cho xuất khẩu.
Xe tăng VT4 do Trung Quốc sản xuất . Ảnh: Norinco
|
Trên VT4 trang bị súng nòng trơn cỡ 125 mm có khả năng phóng tên lửa dẫn đường. Ngoài ra, xe tăng này còn sở hữu súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7mm.
Năm 2017, Norinco phát triển thêm hệ thống phòng thủ chủ động GL-5 dành cho xe tăng chủ lực.
Xe tăng là một trong những vũ khí xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc tới châu Phi. Những quốc gia châu Phi từng mua xe tăng của Trung Quốc gồm Rwanda, Burundi, Mozambique, Gabon, Ghana, Namibia…
Chiến đấu cơ, thiết bị bay không người lái (UAV)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Nigeria, Tanzania, Zambia, Bolivia, Namibia, Zimbabwe và Ghana đều đã sở hữu những máy bay quân sự và UAV tấn công do Trung Quốc sản xuất.
Tiêm kích JF-17 Thunder. Ảnh: Sputnik
|
Trung Quốc xuất khẩu khá nhiều tiêm kích JF-17 Thunder tới châu Phi. Tập đoàn Máy bay Chengdu Trung Quốc và một công ty của Pakistan đã cùng bắt tay sản xuất chiếc máy bay quân sự một động cơ này.
JF-17 Thunder có khả năng phóng tên lửa không đối không và không đối đất. Chiếc JF-17 Thunder có thể đạt vận tốc Mach 1,6 (gấp 1,6 lần tốc độ âm thanh).
Hiện chưa rõ chính xác số lượng UAV Trung Quốc đã xuất khẩu sang thị trường quốc tế nhưng có một điều chắc chắn là Bắc Kinh kỳ vọng thiết bị bay không người lái do quốc gia này sản xuất sẽ chiếm lĩnh thị trường châu Phi.
Mỹ có quy định chặt chẽ kèm theo yêu cầu phải có sự thông qua của chính phủ để xuất khẩu UAV do vậy một số quốc gia như Saudi Arabia và Jordan đã tìm đến Trung Quốc để tìm mua thiết bị bay này.
Hệ thống tên lửa
Morocco, Sudan và Yemen (quốc gia nằm trên bán đảo Arab) là những nước đã nhập khẩu tên lửa, bệ phóng tên lửa từ Trung Quốc. Ngoài ra, trong các cuộc xung đột tại Congo và Sudan, Trung Quốc cũng đã bán được nhiều tên lửa tới hai quốc gia này. Trong tháng 7/2014, Norinco đã chuyển 100 hệ thống tên lửa dẫn đường tới Nam Suadan.
Tên lửa Hồng Tiễn của Trung Quốc. Ảnh: Chinese Military Review
|
Chủ lực tên lửa xuất khẩu của Norinco có hệ thống chống tăng Hồng Tiễn tầm bắn hiệu quả 5,5 km và pháo GP6 155mm. Hiện tại quân đội Trung Quốc đã sở hữu hệ thống tên lửa chống tăng tiên tiến thế hệ thứ 3 Hồng Tiễn.
Trong khi đó, GP6 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi tới 25 km.