Phát biểu tại một cuộc thảo luận của Viện Konrad Adenauer (KAS), bà Annegret Kramp-Karrenbauer nêu rõ lực lượng binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức và châu Âu không chỉ đảm bảo an ninh cho toàn bộ liên minh quân sự NATO mà trên hết còn đảm bảo an ninh của chính nước Mỹ. Bà cũng khẳng định, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh: "NATO không phải là một tổ chức thương mại và an ninh không phải là hàng hóa... NATO dựa trên sự đoàn kết và tin tưởng, trong đó giá trị và lợi ích chung là cơ sở của sự hợp tác".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó xác nhận kế hoạch của Washington cắt giảm số binh sĩ Mỹ đồn trú ở Đức từ mức 34.500 người hiện nay xuống còn 25.000 người. Ông Trump cũng chỉ trích Berlin về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức; chỉ trích thặng dư thương mại quá lớn của Đức với Mỹ, và việc Đức chi quá ít cho quốc phòng (1,38% năm 2019), không đáp ứng mục tiêu 2% GDP của NATO.
Phản ứng về kế hoạch của Mỹ cắt giảm số binh sĩ đồn trú tại Đức, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở Đức không đơn thuần là vấn đề song phương giữa hai nước này, mà sự hiện diện này còn quan trọng đối với toàn bộ khối NATO. Ông Stoltenberg cho biết ông đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Trump và các quan chức khác của Mỹ, song hiện NATO chưa có thêm thông tin và cũng "chưa có quyết định về cách thức và thời điểm triển khai việc rút quân". Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cũng xác nhận chưa có kế hoạch và lịch trình cụ thể cho việc cắt giảm binh sĩ.
Tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 16/6 cũng cho biết Đức chưa có thông tin cụ thể về thời gian, địa điểm và kế hoạch thực hiện rút quân của Mỹ. Cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều chưa cung cấp thêm thông tin về kế hoạch này. Theo Ngoại trưởng Heiko Maa, kinh nghiệm của quân đội Anh trước đây rút khỏi Đức cho thấy sẽ phải mất nhiều tháng và tốn rất nhiều tiền để tiến hành một đợt giảm quân lớn như vậy.