Binh biến ở Mali: Chính quyền quân sự bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng

Theo các sắc lệnh được công bố ngày 2/9, chính quyền quân sự tại Mali đã bổ nhiệm một Tổng Tham mưu trưởng quân đội mới và một số vị trí quan trọng trong quân đội và các lực lượng an ninh.

Chú thích ảnh
Đại tá quân đội Mali Assimi Goita (giữa, trái), tự xưng là "Chủ tịch Ủy ban cứu quốc của nhân dân (CSNP), trong cuộc họp báo tại Bamako sau cuộc binh biến, ngày 19/8/2020. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại khu vực Bắc Phi cho biết Tướng Oumar Diarra được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng quân đội theo sắc lệnh do người đứng đầu quân đội, Đại tá Assimi Goita, ký ngày 1/9. Ông Oumar Diarra sẽ thay thế Tướng Abdoulaye Coulibaly, người đã đứng đầu một quân đội từng bị mất hàng trăm binh sĩ trong cuộc chiến chống lại các phần tử thánh chiến, bất chấp sự hỗ trợ của các lực lượng quân sự của Pháp, nước ngoài và cả Liên hợp quốc.

Trước đó, Tướng Coulibaly cũng như một số quan chức cấp cao và nhân vật chính trị cấp cao của Mali vẫn đang bị chính quyền quân sự hiện tại bắt giữ trong cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita ngày 18/8 vừa qua. Về phần mình, bản thân cựu Tổng thống Keita cũng đang bị quản thúc tại nhà riêng, bị hạn chế truy cập Internet và điện thoại.

Các nguồn tin quân sự cho biết Tổng Tham mưu trưởng mới này được coi là người "liêm chính và nghiêm khắc". Nhiệm vụ chính của ông Oumar Diarra sẽ là "cải tổ quân đội Mali và cho phép nó đủ năng lực bảo vệ đất nước".

Ngoài ra, chính quyền quân sự cũng đã thay thế một loạt chức vụ nhạy cảm như bổ nhiệm Đại tá Lassana Doumbia làm Tổng Cục trưởng An ninh Nhà nước, Đại tá Jean Dao làm Tổng Tham mưu trưởng Vệ binh Quốc gia và Tướng Souleymane Doucouré là Tổng Thư ký Bộ Quốc phòng.

Cập nhật thông tin về cựu Tổng thống Keita, nguồn tin y tế xác nhận ông đã phải nhập viện sau khi đối mặt với một cơn đột quỵ vào tối 1/9. Theo bác sĩ tại bệnh viện tư, nơi ông được chăm sóc sức khoẻ, cơn đột quỵ xảy ra do tình trạng thiếu máu não. Nhà cựu lãnh đạo này đã qua giai đoạn nguy hiểm, đang hồi phục tốt và tiếp tục được theo dõi. Tuy nhiên, các triệu chứng vừa qua của cựu Tổng thống Keita là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ xảy ra các cơn đột quỵ khác trong tương lai.

Quân đội cho biết ông Keita được phép rời khỏi đất nước để chăm sóc y tế nếu cần thiết.

Tình hình Mali bắt đầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7 vừa qua khi M5-RFP tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Keita từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.

Ngày 18/8, nhóm binh sĩ tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. CNSP tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới.

Tấn Đạt - Quang Trường (TTXVN)
Liên hợp quốc gia hạn các biện pháp trừng phạt ở Mali
Liên hợp quốc gia hạn các biện pháp trừng phạt ở Mali

Ngày 31/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông báo quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt ở Mali, đồng thời thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh của nhóm chuyên gia về vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN