Ba Lan sắm 3 tàu chiến mới tăng cường săn thuỷ lôi ở Biển Baltic

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đang đẩy nhanh một số hoạt động mua sắm quốc phòng ở Ba Lan.

Chú thích ảnh
Các xạ thủ súng máy trên tàu HMS Trosso của Thụy Điển, phía xa là tàu quét mìn Kormoran của Ba Lan trong cuộc tập trận rà phá bom mìn ở Biển Baltic vào tháng 9/2021. Ảnh: AFP/Getty Images

Trang Defensenews dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Baszczak cho biết, Warsaw đã có kế hoạch tăng cường năng lực hải quân của mình ở Biển Baltic thông qua hợp đồng mua 3 tàu phá thuỷ lôi mới (MCV) trong những tháng tới.

“Chúng tôi muốn hợp đồng này được ký muộn nhất vào tháng 6. Nó sẽ cho phép duy trì năng lực và tính liên tục của hoạt động sản xuất tại các nhà máy đóng tàu Ba Lan”, ông Błaszczak viết trên Twitter.

Với kế hoạch mua sắm trên, Hải quân Ba Lan sẽ sở hữu tổng cộng sáu MCV hiện đại trong hạm đội của mình. Cho đến nay, Bộ Quốc phòng nước này đã đặt hàng ba tàu lớp Kormoran II từ một tổ hợp công nghiệp được thành lập bởi nhà máy đóng tàu Remontowa có trụ sở tại Gdansk và công ty quốc phòng khổng lồ PGZ.

Tàu phá thuỷ lôi đầu tiên trong số ba MCV đã mua, ORP Kormoran, được đặt hàng vào năm 2013 và đi vào vận hành 4 năm sau đó. Hai tàu còn lại thuộc lớp này là ORP Mewa và ORP Albatros sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm cuối cùng trước khi chuyển giao cho hải quân Ba Lan.

Tuần trước, Hạ viện Ba Lan đã thông qua một dự luật tăng chi tiêu quốc phòng của nước này lên 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới. Luật hiện đang chờ Thượng viện thông qua, sau đó sẽ được Tổng thống Ba Lan ký ban hành.

Với năm 2022, ngân sách của Bộ Quốc phòng được cho phép ở mức khoảng 57,1 tỷ PLN (13,3 tỷ USD). Tuy nhiên, một số thương vụ mua sắm quân sự của Ba Lan được cấp kinh phí trực tiếp từ ngân sách quốc gia.

Tàu săn thuỷ lôi lớp Kormoran II thuộc Dự án 258, được đóng cho Hải quân Ba Lan. Thân tàu dài 58,5 m, rộng 10,3 m, lượng choán nước 830 tấn. Trái ngược với các khái niệm chế tạo tàu kiểu này trước đây, thân tàu được làm bằng thép không nhiễm từ thay vì nhựa. Ưu điểm của tàu vỏ thép là chi phí vận hành thấp hơn và khả năng chống cháy cao hơn.

Tàu cho phép hạn chế khả năng phát hiện bởi các radar địch. Nó được trang bị hai động cơ đốt trong với công suất 1.360 mã lực mỗi động cơ, cho phép đạt tốc độ tối đa 15 hải lý / giờ. Ngoài ra, tàu quét mìn Kormoran còn có một bộ đẩy cánh cung. Vũ khí chính của tàu là pháo KDA 35 mm hoạt động với đầu dẫn quang điện tử ZGS-158. Tàu được trang bị Hệ thống chiến đấu tích hợp: Hệ thống quản lý tác chiến SCOT, hệ thống phòng thủ thụ động, hệ thống quan sát dưới nước, và hệ thống bắn từ xa và không dây nạp thuốc nổ để phá hủy thủy lôi.

Nhiệm vụ chính của các tàu lớp Kormoran II bao gồm tìm kiếm, phân loại, xác định và chống thuỷ lôi trên biển, xác định luồng lạch, hướng dẫn các đơn vị đi qua vùng nước nguy hiểm có thuỷ lôi, đặt thuỷ lôi và điều khiển từ xa các giàn chống thuỷ lôi tự hành. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
90% dân số Ukraine có thể nghèo đói nếu xung đột kéo dài
90% dân số Ukraine có thể nghèo đói nếu xung đột kéo dài

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến Kiev thiệt hại hàng trăm tỷ USD cho đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN