Tâm lý lo lắng ở Litva, 'mắt xích yếu' của NATO

Bầu không khí đang trở nên căng thẳng, lo lắng ở Litva, một trong ba nước Baltic nhỏ bé và được cho là một mắt xích yếu của NATO, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine.

Chú thích ảnh
Các nước Baltic nằm giữa Nga và Belarus. Nhiều người ở đây lo lắng rằng nếu Ukraine thất thủ, họ có thể là người tiếp theo. Trong ảnh, binh sĩ Đức trong lực lượng NATO đóng tại căn cứ ở Litva. Ảnh: AP 

Tại một cửa khẩu biên giới với Ba Lan, ông Ramunas Serpatauskas đang ra hiệu dừng những chiếc xe ô tô chất đầy túi, chăn và thường là cả ba thế hệ thành viên trong gia đình.

Là chỉ huy của Liên minh Súng trường Litva, một tổ chức bán quân sự, ông Serpatauskas ở đó để giúp đỡ những người tị nạn chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine. 

Nhưng trạm kiểm soát nơi ông làm việc, một trong hai trạm duy nhất trong dải đất hẹp dài hơn 60k giữa vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga ở phía bắc và biên giới của Belarus ở phía nam, lại mang ý nghĩa chiến lược vì một lý do khác.

Ông Serpatauskas nhận định, sau Ukraine, nếu Litva bị tấn công, thì rất có thể nơi bắt đầu sẽ là ở đây, dải đất hẹp được gọi là Suwalki Gap. Nếu nơi này bị kiểm soát, các nước Baltic sẽ bị chia tách hoàn toàn với phần còn lại của NATO.

Chú thích ảnh
Vị trí của hành lang Suwalki Gap trên bản đồ khu vực. Đây là nơi kết nối đường bộ duy nhất của ba nước Baltic với các thành viên còn lại trong NATO.

Theo tờ New York Times, bầu không khí đang trở nên căng thẳng ở Litva. Người dân nước này đã nghe cảnh báo gần đây của Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky: “Nếu chúng tôi không còn nữa, thì Latvia, Litva và Estonia sẽ là người tiếp theo”.

Nhiều người Litva lo lắng rằng nếu nhà lãnh đạo Nga Putin muốn kiểm tra “quyết tâm” của NATO, Litva sẽ là nơi bắt đầu, đặc biệt là ở Suwalki Gap. Hành lang dài 64km mà ông Serpatauskas đang tuần tra hàng ngày này là "cánh cửa" kết nối duy nhất của các nước Baltic với các đồng minh NATO khác. Nó cũng được coi là một trong những “gót chân Asin” của NATO. 

Tuy vậy nhiều người vẫn hy vọng rằng, dù tên lửa và vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đặt tại Kaliningrad và hàng chục nghìn binh sĩ Nga được triển khai ở nước láng giềng Belarus trong những tháng gần đây, Moskva sẽ không hành động quân sự với Litva, gây rủi ro chiến tranh với NATO và Mỹ.

Các chỉ huy quân sự của Litva và NATO nói rằng, với việc lực lượng mặt đất của Nga tập trung cho chiến dịch ở Ukraine và phải đang mất nhiều thời gian hơn dự kiến, ít nhất là lúc này, một cuộc tấn công khó có thể xảy ra. Tuy vậy, ông Laurynas Kasciunas, Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng và An ninh quốc gia thuộc Hạ viện Litva, cho rằng: "Đó rõ ràng là một mục tiêu chiến lược, bởi vì từ đó người ta có thể cắt rời hệ thống an ninh NATO".

Ông Kasciunas đề xuất: "Chúng ta không hoảng sợ, nhưng ta nên chuẩn bị. Mỗi gia đình nên có một kế hoạch."

Chú thích ảnh
Con phố bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Vilnius, thủ đô Litva, gần đây đã được đổi tên thành Phố Anh hùng Ukraine. Ảnh: Insider

Vợ của ông Kasciunas đã bắt đầu dự trữ thức ăn trong các hộp giấy thiếc và hai vợ chồng cũng đã lên kế hoạch cho các con sơ tán về vùng nông thôn trong trường hợp Litva bị tấn công.

Ngày 24/2 khi Nga mở chiến dịch tại Ukraine, chính phủ Litva đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Danh sách các trường học và nhà thờ có tầng hầm có thể là nơi trú ẩn trong các cuộc không kích được công bố.

Tuần trước, Litva đã tổ chức một cuộc tập trận trên khu vực Suwalki Gap. Trong tuần này, khoảng 4.000 binh sĩ NATO sẽ tham gia một cuộc tập trận khác.

Lực lượng của NATO đã hiện diện thường trực ở tất cả các quốc gia vùng Baltic kể từ năm 2017. Các nhóm chiến đấu đa quốc gia thực ra đã được triển khai tại Litva từ năm 2014. Nhưng kể từ khi chiến tranh bùng nổ vào tháng trước, liên minh đã chuyển từ răn đe sang kích hoạt các kế hoạch phòng thủ. 

Đại tá Peter Nielsen là chỉ huy người Đan Mạch của Đơn vị liên hợp thuộc Lực lượng NATO tại Litva - đơn vị có chức năng điều phối giữa Bộ chỉ huy quân sự địa phương và khoảng 3.000 binh sĩ NATO hiện đang ở nước này.

Chú thích ảnh
Đại tá Peter Nielsen, chỉ huy Đơn vị Hợp nhất Lực lượng NATO tại Litva. Ảnh: NYT

“Vị trí địa lý của hành lang Suwalki là một thực tế”, Đại tá Nielsen vừa nói, vừa lướt ngón tay dọc theo tấm bản đồ lớn trên tường văn phòng của mình. "Nếu họ thực hiện một cuộc tấn công vào vùng Baltic với lý do để bảo vệ các nhóm thiểu số Nga thì NATO sẽ can dự - và chúng tôi sẽ tham chiến", ông Nielsen nói và cho biết thêm: “Chúng tôi đang sửa đổi và hoàn thiện các kế hoạch của mình. Chúng tôi đang chuyển sang chuẩn bị phòng thủ”.

Nhiều người Litva cũng vậy. Doanh số bán súng ở nước này đã tăng vọt. Các trường bắn được đặt kín chỗ cho luyện tập mục tiêu và Liên hiệp Súng trường Litva đã chứng kiến số thành viên của mình tăng thêm hơn 2.000 trong hai tuần qua. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Ukraine nói đàm phán với Nga ‘khó khăn’, nhưng vẫn có cánh cửa thỏa hiệp
Ukraine nói đàm phán với Nga ‘khó khăn’, nhưng vẫn có cánh cửa thỏa hiệp

Giới chức Ukraine cho biết các cuộc đàm phán với Nga đã mang tính chất xây dựng nhiều hơn và Moskva cũng thể hiện sự mềm mỏng nhất định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN