Ba Lan đăng cai tổ chức tập trận răn đe hạt nhân với Mỹ

Trước đó, một số nhà lãnh đạo Ba Lan bày tỏ sẵn sàng sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.

Chú thích ảnh
Các nhà lãnh đạo Ba Lan đang muốn tham gia chương trình chia sẻ hạt nhân trong NATO. Ảnh: notesfrompoland.com

Theo trang tin EURACTIV.pl (Ba Lan) ngày 14/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết nước này sẽ thực hiện một cuộc tập trận răn đe hạt nhân vào tuần tới, vì Ba Lan đang đối mặt với những lo ngại ngày càng tăng về xung đột hạt nhân.

Khả năng răn đe hạt nhân đã được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng NATO ở Brussels gần đây. Mặc dù Ba Lan không có vũ khí hạt nhân của riêng mình, nhưng mối quan tâm đến vấn đề này đã bắt đầu tăng lên, đặc biệt là đối với các quan chức chính phủ.

Ông Blaszczak nói: “Chúng tôi biết rằng Moskva đang cảnh báo việc sử dụng vũ khí hạt nhân, vì vậy phản ứng của NATO là một cuộc tập trận liên quan đến lĩnh vực này", nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sở hữu vũ khí hạt nhân trong bối cảnh hiện nay.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Blaszczak, cuộc tập trận răn đe hạt nhân chủ yếu có sự tham gia của Mỹ, đồng thời lưu ý rằng Ba Lan tham gia nhưng sử dụng vũ khí thông thường.

Việc truyền thông đưa tin về khả năng sử dụng hạt nhân của Nga đã làm dấy lên lo ngại đối với nhiều người Ba Lan, vốn có kí ức về thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi khoảng 200 đầu đạn hạt nhân do Liên Xô sở hữu được triển khai trên lãnh thổ nước này.

Mặc dù Ba Lan lo sợ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng đa số (hơn 54%) người dân nước này muốn Chính phủ Ba Lan tham gia vào chương trình chia sẻ kho vũ khí hạt nhân của NATO, trong khi chỉ có 29,5% phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân ở quốc gia của họ.

Tuần trước, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tiết lộ rằng nước này sẵn sàng sở hữu vũ khí hạt nhân và đã thảo luận về ý tưởng này với Mỹ. Lãnh đạo đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền, Jarosław Kaczyński, cho biết ông “hoàn toàn ủng hộ” ý tưởng này.

Hiện ba thành viên NATO duy nhất có vũ khí hạt nhân của riêng mình là Mỹ, Anh và Pháp. Theo chương trình chia sẻ hạt nhân, các loại vũ khí này hiện cũng được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Ba Lan đã tăng cường khả năng quân sự, bao gồm tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP, một trong những mức cao nhất trong NATO và thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận trong khuôn khổ Liên minh quân sự này.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ba Lan không thấy có dấu hiệu can thiệp trong vụ rò rỉ đường ống dẫn dầu Druzhba
Ba Lan không thấy có dấu hiệu can thiệp trong vụ rò rỉ đường ống dẫn dầu Druzhba

Công ty PERN quản lý đường ống dầu của Ba Lan ngày 12/10 cho biết "không có dấu hiệu có bất cứ sự can thiệp nào của bên thứ 3" liên quan vụ rò rỉ tại đường ống dẫn dầu thô từ Nga vào Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN