Bộ trưởng Marles đã đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Honolulu hôm 1/10.
Trong diễn biến liên quan, tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách xúc tiến sản xuất tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Một số chiếc đầu tiên sẽ được đóng trên đất Mỹ.
Ngày 15/9/2021, ba quốc gia gồm Australia, Anh và Mỹ đã công bố một thỏa thuận an ninh được gọi là AUKUS, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực quốc phòng và nghiên cứu.
Theo thỏa thuận, Mỹ và Anh sẽ làm việc với Australia để giúp xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy hạt nhân, nhằm mục đích mở rộng tiềm lực quân sự của Canberra trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cụ thể, Australia sẽ tiếp nhận ít nhất 8 tàu ngầm với sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ. Chiếc tàu đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2036.
Thỏa thuận AUKUS đã bị một số nước láng giềng của Australia chỉ trích. Đặc biệt, Trung Quốc đã trình bày mối quan ngại với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Bắc Kinh cho rằng thỏa thuận cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia đã vi phạm các hiệp ước quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Sau khi Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi tuyên bố rằng ông hài lòng về sự tham gia của các đối tác AUKUS cho đến nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cáo buộc cơ quan này làm ngơ trước những lo ngại của cộng đồng quốc tế.