Kế hoạch điều một tàu chiến tới Biển Đen chứng tỏ Mỹ đang theo đuổi lợi ích riêng của mình trong khu vực, thể hiện sự trừng phạt và đối đầu với Nga, đó là nhận định của Vadim Kozyulin - chuyên gia phân tích cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu chính sách của Nga."Luật pháp quốc tế cho phép một quốc gia có thể điều tàu chiến đến Biển Đen. Động thái này của Mỹ diễn ra sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tuy nhiên, gửi một tàu chiến đến Biển Đen sẽ không giúp củng cố an ninh, trái lại nó sẽ là một yếu tố khiêu khích Nga và các nước láng giềng ở Biển Đen. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy Mỹ đang theo đuổi các biện pháp đối đầu, thay vì đối thoại”, ông Kozyulin nói.
Một tàu chiến của Mỹ. Ảnh: RT |
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng động thái này là một lời nhắc nhở rằng Mỹ đang có kế hoạch theo đuổi lợi ích riêng của mình ở Biển Đen và muốn thúc đẩy kế hoạch này, đồng thời tạo áp lực đối với Nga về vấn đề Crimea.
Lầu Năm Góc đang xem xét triển khai một tàu chiến vào Biển Đen và điều một số binh lính sang châu Âu. Động thái này được coi như một phần trong nỗ lực của NATO nhằm thúc đẩy quan hệ với các đồng minh ở Đông Âu vốn đang lo lắng sau sự kiện Crimea sáp nhập Nga.
Tuy nhiên, về mặt quân sự, việc triển khai 1 tàu chiến tới Biển Đen không phải là một mối đe dọa lớn đối với Moskva. Alexander Goltz, chuyên gia quân sự Nga và là Phó Tổng biên tập của trang mạng độc lập Yezhednevny Zhurnal, cho rằng động thái này của Mỹ chỉ mang tính biểu tượng. "Trong ngoại giao quân sự, hành động như vậy không được coi là một mối đe dọa", ông Goltz nói với hãng tin RIA Novosti.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết họ đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, nhưng cũng khuyến khích đồng minh của mình điều máy bay chiến đấu tuần tra vùng biển Baltic và tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ba Lan, điều mà Lầu Năm Góc hiện nay đang thực hiện.
CT (Theo RIA Novosti)