Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava: "Ngay khi giới chức hai bên đang thảo luận nhằm giảm leo thang căng thẳng tại khu vực biên giới chung, gọi là đường Ranh giới thực tế (LAC), quân đội Trung Quốc lại có hành động gây hấn". Người phát ngôn này cho biết thêm do phòng vệ kịp thời, phía Ấn Độ đã ngăn chặn được "những âm mưu nhằm thay đổi hiện trạng" ở khu vực biên giới tranh chấp.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết quân đội nước này đã triển khai trên 4 đỉnh đồi chiến lược sau cái mà New Delhi mô tả là âm mưu xâm nhập của Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Động thái này càng khoét sâu thêm căng thẳng vốn đã gay gắt giữa hai nước.
Nguồn tin cho biết các phương tiện quân sự đưa binh sĩ Trung Quốc tiến đủ gần để dẫn tới khẩu chiến với các binh sĩ Ấn Độ, tuy nhiên đã không xảy ra đụng độ. Quan chức Ấn Độ này cho biết thêm vụ việc xảy ra trên bờ phía Nam của hồ Pangong Tso thuộc khu vực hoang mạc, nơi từng xảy ra đối đầu giữa các binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc hồi tháng 4.
Trong khi đó, Trung Quốc đã bác bỏ việc nước này có động thái trước, khi nữ phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi cáo buộc binh sĩ Ấn Độ vượt qua LAC và có "những động thái khiêu khích trắng trợn".
Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 6 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir. Cuối tháng 6, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC. Ấn Độ cho đến nay vẫn cáo buộc Trung Quốc không rút quân khỏi các khu vực tuần tra, đồng bằng Depsang và Gogra sau nhiều vòng đàm phán quân sự và ngoại giao. New Delhi bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ phối hợp để thực thi các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được.