Tên lửa Agni-IV được giới thiệu tại lễ duyệt binh diễu hành nhân ngày thành lập Cộng hòa Ấn Độ ở thủ đô New Delhi ngày 26/1/2012. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 27/4, Bộ Tư lệnh chiến lược và Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Ấn Độ đã phối hợp thực hiện vụ bắn thử tên lửa đất đối đất Agni-III do nước này tự phát triển từ tổ hợp bệ phóng số 4 tại Trung tâm Thử nghiệm vũ khí tích hợp (ITR) trên đảo Abdul Kalam. Trong quá trình thử nghiệm, Ấn Độ đã sử dụng hệ thống radar đặt dọc bờ biển phía Đông để theo dõi, giám sát các thông số và đường đạn thời gian thực của tên lửa.
Agni-III là loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm bắn trên 3.000 km, có độ chính xác và phức tạp cao đã được biên chế cho lực lượng vũ trang Ấn Độ. Agni-III sử dụng động cơ đẩy hai tầng nhiên liệu rắn, dài 17m, đường kính 2m và nặng 22.000 kg. Tên lửa này có thể di chuyển với vận tốc 5-7 km/giây và mang theo một đầu đạn hạt nhân chiến lược nặng 1,5 tấn với sức công phá từ 15 đến 250 kiloton hoặc các loại vũ khí nhiệt áp thông thường nặng từ 2.000 đến 2.500 kg.
Kế thừa Agni-II, Agni-III được trang bị nhiều hệ thống kiểm soát, điều khiển, định vị tinh vi cùng với các hệ thống máy tính tiên tiến tích hợp trên thân tên lửa. Các hệ thống điện tử có khả năng chịu đựng được các tác động âm thanh, nhiệt độ và rung lắc cao.
Ban đầu, tầng thứ nhất của Agni-II nặng 32 tấn và dài 7,7m, trong khi tầng thứ 2 nặng 10 tấn và dài 3,3m. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển, trọng lượng hiện tại của loại tên lửa này đã giảm xuống còn 22 tấn.