Trên xe, phó giáo sư, thiếu tướng Đào Tuấn nói vui: Ngày xưa Hạng Vũ của Trung Hoa đi đến đâu thì nơi ấy lập tức lập những trận mưa để cây cối tươi tốt đón chào, còn chúng ta tìm về nguồn cội mà mưa lợp triền miên thì hẳn nhận được lộc?
Nhóm anh em họ Đào chúng tôi cùng cười vang như thể bớt đi được chút màn trời nặng xám.
Ngược thành phố Thanh Hóa - quốc lộ 45 rẽ phải hơn 30 km cả thể là đến xã Định Tiến, huyện Yên Định - quê hương của Thái sư, Á vương Đào Cam Mộc. Với tôi đây là khoảnh khắc thiêng liêng quá đỗi.
Rằng không biết thế gian này có bao nhiêu người con tìm được đến nơi sinh ra và thờ phụng bậc tiền nhân của dòng tộc mình trên cả nghìn năm? Hơn thế đây còn là với một “khai quốc công thần” bậc danh giá?
Ban thờ Người bây giờ được đặt trên sân khấu nhà văn hóa thôn Tràng Lang vẻn vẹn với một ngai tượng nhỏ, một tấm bia đá có tên “ Hoàng Định thất niên” lập nên vào năm 1606 và tấm bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố cấp năm 2010.
Cả đoàn nghiêm trang im lặng trước những vòng khói hương thơm thoảng đang chậm rãi xoay lên. Ngàn năm ơi những gì còn mất, sao nơi này, hôm nay cứ dạt dào trong tâm khảm chúng tôi đến nao lòng?
Trong lịch sử dân tộc, xứ Thanh đã có nhiều người con ưu tú, có công lao to lớn góp phần cho sự phát triển vững mạnh, bền lâu của đất nước. Một trong số đó là vì sao Thái sư, Á vương Đào Cam Mộc (942 - 1015) - người có công đầu suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, mở mang vương triều Lý tồn tại 215 năm (1010 - 1225).
Thực hiện được trọng trách lúc đó bởi Chi hậu Đào Cam Mộc là người nhân từ uyên thâm, đọc sách Thánh hiền am hiểu vận trời đất và được các quan trong triều quí nể kính phục. Có thể nói Đào Cam Mộc là một kiến trúc sư về chính trị nhạy bén, tài năng, đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng của triều Lý.
Đây là những câu nói ví như bản lề xoay chuyển xã tắc của Đào cam Mộc với Lý Công Uẩn: “Chúa thượng (Lê Ngọa Triều) tâm trí u tối, ương ngạnh, bạo ngược, làm nhiều điều bất nghĩa trời không cho sống lâu được, con nối ngôi thì còn nhỏ. Thân vệ (Lý Công Uẩn) sao lúc này không nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa xem dấu cũ của Thang Vũ, gần xem việc làm của Đinh Lê, trên thuận lòng trời, dưới theo ý nguyện của dân”.
Và: “Thân vệ là người khoan thứ, nhân từ, lòng người chịu theo, hiện nay trăm họ mệt mỏi, kiệt quệ. Thân vệ nên nhân dịp đó lấy ân đức mà vỗ về thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp có ai ngăn được?”…
Rồi Người đã đề xuất, lập kế hoạch giúp vua rời đô ra Thăng Long. Công lao ấy được Ngô Thì Sĩ ghi trong “Việt sư tiền án”: Trong quần thần có Đào Cam Mộc giúp cho hưng nước, yên nhà có Lê Phụng Hiểu, giúp cho mở cõi có Lý Thường Kiệt…”.
Thời gian vốn hà khắc, quy tụ cả những chuỗi phong ba gấp bội yên hàn. Thế mà mảnh đất đã từng nhiều đổi thay vẫn gìn giữ được dấu tích một trường tồn dẫu chỉ thoáng thôi của bước chân lịch sử?
Rất may nơi quê ngoại của Thái sư - xã Yên Trung cùng huyện, nhà thờ được dòng tộc và thôn xã tu tạo, xây dựng đã khang trang hơn trước nhiều. Với thôn Tràng Lang, Định Tiến qua lãnh đạo thôn và ông trưởng tộc hậu duệ Đào Xuân Khoa 81 tuổi chúng tôi được biết thêm những chi tiết.
Nhà thờ cụ Đào Cam Mộc tại vị trên mảnh đất thôn làng này tại ngôi chùa có tên Hưng Phúc. Đến những năm cuối 59, đầu 60 thế kỉ trước bị phá dỡ dành cho những mục đích khác. Qua nhiều lần chuyển đổi sau đó thì bia Hoàng Định và bát hương thờ phụng cụ mới được đưa về nhà văn hóa thôn như hiện nay.
Dịp cả nước chuẩn bị kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị- đương chức Bí thư Thành ủy Hà Nội có đề xuất việc xây dựng lại nơi thờ phụng Thái sư, Á vương Đào Cam Mộc cho xứng tầm tại quê hương Người bằng nguồn vốn trích trong gói chuẩn bị chung.
Thế nhưng việc không thành bởi tỉnh Thanh Hóa không lập và cung cấp được hồ sơ phục vụ cho dự án.
Chúng tôi rời Tràng Lang, Định Tiến trong màn mưa vẫn xéo qua những ô cửa kính rất mạnh. Cảm giác hằn in đậm trong tôi nghiêng cả phía lặng lẽ bùi ngùi. Hằng năm con cháu họ Đào thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, Mê Linh Hà Nội đều tổ chức ngày giỗ cụ Đào Cam Mộc, trong đó có tháng giêng năm 2015 là ngày giỗ thứ 1.000.
Công lao của vị “khai quốc công thần” với dân tộc lớn lao thế nhưng sao bây giờ vẫn không một con phố nào tại trung tâm Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và ngay cả tại thành phố Thanh Hóa được mang tên ông cũng như một trường học, quần thể công cộng nào- như rất nhiều danh nhân khác?
Miên man mãi khiến tôi sững người khi đoàn xe đã dừng trước cổng nhà thờ Đào Duy Từ - xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Trong khuôn viên diện tích 2,5 ha có hàng rào khỏe che chắn là ngôi nhà thờ mái ngói khoảng 40m2 kiểu cách xây những năm 1970 được sửa lại năm 2014.
Trước mắt chúng tôi khi bước vào không gian thờ là bộ hoành phi, câu đối khá tươi màu, đặc biệt có nội dung toát lên nghĩa quốc gia vinh danh ngàn năm công đức ngời sáng của bậc “Kinh bang tế thế”:
Thiên thu công đức hoa tề giáp
Vạn cổ anh linh trác húy thần.
Công thần Đào Duy Từ ( 1572 - 1634) - nhà chính trị quân sự lỗi lạc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, bậc thầy, bậc khải quốc số 1 của 9 đời chúa Nguyễn. Ông là quan Phó chúa Nguyễn Phúc Nguyên thời 1627 - 1634, trong vòng 8 năm ấy đã làm được những việc lớn: Giữ vững cơ nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chặn được quân Trịnh Đàng Ngoài.
Xây dựng được một định chế chính quyền hợp lòng dân, đặt nền móng cho triều Nguyễn lưu truyền 9 chúa, 13 vua. Là người am tường văn học nghệ thuật nên đã thành công lớn sáng tác các tác phẩm sau này là những kiệt tác và di sản văn hóa vô giá: “Hồ trường khu cơ”, Nhã nhạc cung đình Huế, Vũ khúc tuồng Sơn Hậu và bài thơ ngâm khúc “Ngọa long cương vãn”.
Là người đầu tiên lập ra các đội múa hát và huấn luyện chuyên môn cho các nghệ nhân Đàng Trong. Ông cũng đã đem nghệ thuật ca múa truyền thống, nghệ thuật tuồng chèo phương Nam tạo ra ngành hát bội Bình Định mà một soạn giả người Bình Định nổi tiếng tiếp nối là Thượng thư, nghệ sĩ Đào Tấn.
Có nơi đã thờ hai cha con Đào Tá Hán, Đào Duy Từ làm nhị vị Ông Làng của ngành tuồng chèo (Chân dung kẻ sĩ, NXB Văn nghệ TP HCM, 1988). Vì thế ông đã trở thành một người thầy đức độ tài năng, bậc kì tài muôn thuở, người có công khai sáng cho nền văn hóa của Đàng Trong thời kì mở cõi…
Bản tính thông minh sáng láng, học rộng tài cao, thông làu kinh sử, hiểu đủ tam giáo cửu lưu, thơ văn từ phú tinh xảo. Thế nhưng bước đường khoa hoạn tiến thân của Đào Duy Từ bị chặn nghẽn ở Đàng Ngoài và cả Đàng Trong tới khi gặp chúa Nguyễn Phúc Nguyên mới có đất phát lộ.
Hai lũy Trường Dục và Nhật Lệ do Đào Duy Từ đề xướng, lập ra đồ thức rồi thực hành các công việc trực tiếp huy động dân binh tác nghiệp đã giữ vai trò tối quan trọng trong cuộc chiến đẩy lùi họ Trịnh Đàng Ngoài bao lần xâm nhập kéo dài suốt khoảng 1627 - 1671.
Lũy Trường Dục do Đào Duy Từ thiết kế dài đến 9 km trên đất Phong Lộc, Quảng Bình được xây dựng bằng cát, đất cao 3 m, rộng 6-8m, dài 10-12km. Cùng với một mục đích, lũy Nhật Lệ được hình thành có chiều cao gần 5m, dài 15km, dùng gỗ lim làm sườn để đắp đất đá rồi lắp đặt hàng trăm khẩu súng thần công trên đó, khi nào cũng sẵn sàng tác chiến.
Chính sự kì vĩ và công hiệu của Trường Dục, Nhật Lệ mà về sau vua Nguyễn truyền mọi người phải gọi là sư lũy (Lũy Thầy, lũy do thầy Đào Duy Từ xây) tưởng nhớ công ơn Người.
Tuần nhang tạm biệt đã dần cháy hết trên ban thờ. Đoàn con cháu chúng tôi kính cẩn bái lạy trước khi lên xe trở về Hà Nội. Lạ thay, lúc này trời bỗng tạnh ráo, mây xanh trong, quang đãng cao vút và ai cũng thấy thanh thản, mãn nguyện.
Có chăng còn băn khoăn ở chỗ nghe nói cách đây mấy năm tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch hỗ trợ 20 tỉ đồng cho việc xây mới, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia này.
Sao bây giờ vẫn chưa triển khai được, hẳn là kinh phí - chuyện phải chờ đợi đã thành quá quen trong chúng ta rồi chăng? Cầu mong sao những nơi chốn linh thiêng sẽ đều được “thông đồng bén giọt”.
Dân tộc, quê hương ta ở đâu cũng sản sinh ra những bậc hiền tài lỗi lạc giúp nước, giúp đời. Thiên niên kỉ trước trên bầu trời xứ Thanh có hai vì tinh tú lấp lánh mang dòng Đào tộc - hai kiến trúc sư vĩ đại, uyên bác. Thái sư Á vương Đào Cam Mộc đã qui hoạch thiết kế và lập trình thao tác giúp Lý Công Uẩn lên ngôi.
Rồi trao đổi kế sách thực hiện những công việc cấp thiết phải làm sau khi nhà Lý trị vì. Còn nhà kinh bang tế thế Đào Duy Từ là một kiến trúc sư cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Ông vừa thiết kế cung cách cho các chúa Nguyễn ngăn chặn Đàng Ngoài, mở mang Đàng Trong cả về địa giới và văn hóa nghệ thuật. Vừa tự tay vẽ nên hình khối, mặt cắt ngang dọc dự án xây dựng các lũy và những chi tiết về cách bố phòng…
Xe lăn bon bon rẽ đôi miền gió đồng quê xanh ngát ngược về Bắc. Con đường huyết mạch xuyên Việt từ khi được mở rộng, nâng cấp đã thêm êm ru hun hút đưa người. Đất nước này, dân tộc này trong đó có lớp con cháu chúng tôi mãi mãi khắc ghi ơn sâu, nghĩa nặng nguồn cội, mãi tự hào nối bước tiếp theo.