Phục dựng căn cứ hoạt động của Biệt động Sài Gòn - Bài 1: Đánh thức 'kí ức'

Từ những năm 90, ông Trần Vũ Bình, con trai của chiến sỹ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai (hoạt động dưới vỏ bọc nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, Năm USOM - thầu khoán Dinh Độc Lập) đã cất công đi tìm lại những di vật của cha và đồng đội để phục dựng và làm điểm tham quan du lịch đặc biệt cho du khách trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Ông Trần Vũ Bình, con trai chiến sỹ Biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai. 

Ông Trần Vũ Bình (ngụ Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết: "Hiện nay, mình có điều kiện thì phải làm, còn sống thì còn tìm lại, xây dựng lại những gì cha, chú mình xây dựng lên. Bởi vì nó mà thế hệ cha, chú mình đã đổ bao xương máu, không thể vì chiến tranh đã kết thúc mà quên đi tất cả lịch sử của dân tộc trong thời chiến".

Biến căn hầm chứa vũ khí thành Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia

 

Chú thích ảnh
Gia đình ông Trần Văn Lai đón nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cho căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: NVCC

Ông Trần Vũ Bình kể, ông rất cảm phục những chiến công và sự hi sinh của cha mẹ mình cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, nên sau ngày thống nhất đất nước, ông đã bỏ nhiều công sức, tiền của để mua lại những hiện vật và căn nhà, vốn là nơi hoạt động bí mật của Biệt động Sài Gòn; rồi tổ chức phục dựng lại thành địa điểm lịch sử để mọi người tới tham quan, tìm hiểu về những hoạt động thầm lặng nhưng chứa biết bao kì tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Địa điểm đầu tiên là căn nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Với tâm niệm phục dựng căn nhà một cách nguyên trạng nhất chứ không tu sửa bằng vật liệu mới, cùng với chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, ông Trần Vũ Bình đã phải lặn lội đi nhiều nơi. Nghe nói ở đâu có hiện vật của Biệt động Sài Gòn là ông lại tìm đến, thương lượng để mang về. Phải mất mấy năm gom nhặt, ông mới có đủ vật liệu để phục dựng căn nhà.

Sau bao ngày vất vả, năm 1988, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia; trở thành "địa chỉ đỏ" nổi tiếng với du khách trong và ngoài  nước, vinh dự đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến thăm.

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Lai khui căn hầm chứa vũ khí tại số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3) sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975. Ảnh: NVCC

Theo ông Trần Vũ Bình, khi còn sống, cha ông thường nói với các con: “Nhà này có ở thì ở, nhưng không được sửa chữa”. Mãi đến sau này, ông Bình mới hiểu ý nghĩa trong câu nói của cha mình vì thấy có hệ thống hầm ngầm dưới lòng đất và hệ thống hầm nổi trên trần nhà rất bí mật; cấu trúc căn nhà cũng rất khác lạ.

Ngoài căn nhà trên, ông Trần Vũ Bình cũng đã phục dựng lại chiếc ô tô và hiện đang được trưng bày trong căn nhà. “Quá trình phục hồi lại di tích và hiện vật cũng lắm "công phu". Công việc tuy kết thúc chỗ này nhưng lại là khởi đầu mới ở chỗ khác. Sự kiện này tiếp nối sự kiện kia, đi tìm sự kiện kia thì truy ra manh mối của một sự kiện khác. Kết thúc luôn là khởi đầu”, ông Bình hào hứng.

Xây dựng hệ thống Bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Để đảm bảo cho hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn, ông Trần Văn Lai còn thiết lập rất nhiều nơi che giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật để chuyển giao thư từ, tài liệu. Trong đó, căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, Quận 1), nơi đặt “hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, được ông Trần Văn Lai mưu trí xây dựng ngay bên cạnh nhà của tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 của ngụy quyền Sài Gòn.

Căn nhà được ông giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự, những người thợ làm cùng trong xưởng trang trí nội thất của ông Lai và cũng là hai chiến sĩ cách mạng, quản lý.

Chú thích ảnh
Người dân đến Bảo tàng Biệt động Sài Gòn vừa được tham quan, tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn và còn chiêm ngưỡng các vật dụng, dụng cụ âm nhạc... của các năm trước giải phóng. 

Sau khi ông Trần Văn Lai qua đời vào năm 2002, ông Trần Vũ Bình đã mất hơn 10 năm để tiếp nhận và phục dựng nguyên trạng căn nhà trên.

Cùng với việc tích cực khôi phục nguyên hiện trạng 2 hầm nổi, hộp thư bí mật, lối kiến trúc xưa của căn nhà, ông Trần Vũ Bình còn tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật xưa trưng bày tại đây. Đặc biệt, ông đã cho mở lại tại di tích 113A Đặng Dung "quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn" theo vỏ bọc ngày xưa của căn nhà. Không như những người kinh doanh khác, ông mở quán nhưng không quá chú trọng đến lợi nhuận mà chỉ muốn tạo điều kiện để mọi người đến đây có thể vừa ăn sáng, uống cà phê, vừa có thời gian thư thái để tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn.

Sau thành công của quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, ông Trần Vũ Bình đã mạnh dạn triển khai ý tưởng xây dựng một tour du lịch đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.

Hiện nay, khách tham gia tour du lịch này sẽ được khám phá 18 điểm di tích đặc biệt như hầm chứa vũ khí để Biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968, quán phở Bình - Sở Chỉ huy tiền phương Phân khu 4 trong chiến dịch Mậu Thân 1968, Di tích 113A Đặng Dung - nơi đặt “hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn”, nơi làm nội thất cho Dinh Độc Lập ở số 145 Trần Quang Khải…

Đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, các công ty lữ hành đã đưa rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Bảo tàng Biệt động Sài Gòn. Với các tour du lịch này, du khách không chỉ tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn qua các di tích, hiện vật mà còn trải nghiệm ẩm thực, giao lưu với người dân, nhân chứng lịch sử tại các địa điểm lưu trú… Với ý nghĩa lịch sử đó, các tour du lịch này đã nhận được sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi tháng, các điểm di tích lịch sử của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn đón từ 10 đến 20 đoàn tham quan. Lượng khách đến các địa điểm di tích lịch sử này tăng cao, nhất là vào dịp Tết và các ngày lễ lớn như: Kỉ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày Quốc khánh 2/9...

"Điểm đặc biệt của các tour du lịch trên là người dẫn các đoàn đi tham quan chính là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa. Bởi chúng tôi muốn các con cháu của mình cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử mà tổ tiên mình đã để lại. Chính người trong cuộc phải hiểu và trân quý điều đó thì mới có thể hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người đến tham quan cảm nhận được", ông Trần Vũ Bình cho biết.

Chú thích ảnh
Hiện nay, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn là bảo tàng thông minh tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.

Sau khi tour du lịch tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn được đưa vào khai thác, các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh cũng từng đặt vấn đề bán vé tại các điểm di tích này, tuy nhiên ông Trần Vũ Bình đã từ chối. "Lý do tôi phục dựng các di tích lịch sử cũng là làm cách mạng, thời này không chiến tranh, không bom đạn mà không phục vụ người dân miễn phí được thì mình thua các cụ ngày xưa. Vì vậy, các địa điểm cà phê tìm hiểu về lịch sử Biệt động Sài Gòn không bán vé mà chỉ thu tiền thức ăn và nước uống để duy trì hoạt động của quán", ông Trần Vũ Bình lý giải.

Bài cuối: Nỗ lực "vá lại" cơ sở trú ẩn của cha và đồng đội 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Về nơi nuôi giấu chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa trong ngày Tết độc lập 2/9
Về nơi nuôi giấu chiến sỹ Biệt động Sài Gòn năm xưa trong ngày Tết độc lập 2/9

Lọt thỏm giữa những tán cây um tùm xanh mát trong Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1), ít ai biết và để ý đến ý nghĩa của quán Nhan Hương. Trước kia, nơi đây từng là một "căn cứ" hoàn hảo của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm từ 1963-1975, từng là nơi truyền tin, nuôi giấu cán bộ cách mạng, hội họp cán bộ để chuẩn bị cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu...trong Tết Mậu Thân 1968 và nơi chuẩn bị công tác đón quân giải phóng miền Nam năm 1975.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN