Khi màn đêm buông xuống là ra đường…
TP Hồ Chí Minh những ngày này đang vào thời điểm “nóng” của công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Khi ánh mặt trời vừa khuất bóng, gió chướng thổi hun hút để xua tan cái nắng gay gắt, rát mặt của ban ngày. Cũng giờ này, tuyến đường cửa ngõ phía Đông thành phố cũng trở nên đông đúc hơn với đủ loại xe tải chở hàng nối đuôi nhau chạy rầm rập. Như những tối khác, cán bộ kiểm dịch lại chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Họ không ngồi ở trạm kiểm dịch, mà chạy xe dọc quốc lộ 1A xuôi về cầu Đồng Nai hoặc dọc tuyến đường Xuyên Á đoạn từ khu vực Suối Tiên về Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh để kiểm tra các xe chở hàng động vật “vượt trạm”.
Lướt nhìn thấy chúng tôi phân vân, anh Phạm Ngọc Chí, Trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết: “Tất cả có nghiệp vụ và nhìn theo thói quen công việc hàng ngày. Mỗi một lần đi kiểm tra trên các tuyến đường cửa ngõ, lực lượng thú y phải thường xuyên phối hợp với cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường để tuần tra, kiểm soát các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật vào TP Hồ Chí Minh từ cửa ngõ phía Đông”.
Đúng 17 giờ 30, trên tuyến quốc lộ 1A thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, tổ công tác liên ngành đã phát hiện ngay xe khách mang biển kiểm soát 69B-003.33 vận chuyển 245kg phụ phẩm bò từ chợ Sặc (Đồng Nai) về Làng Tròn, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu để tiêu thụ.
Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật theo quy định và lô hàng này đựng trong 3 bao tải để chung trong khoang chứa hành lý của khách trên xe, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.
Sau khi lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật bằng phương tiện không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, không có giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, tài xế xe khách đã tự nguyện xin tiêu hủy lô hàng và chịu mọi chi phí tiêu hủy.
Vừa xong vụ việc trên, trời đã bắt đầu tối hơn, gió càng thổi mạnh, các cán bộ thú y của Trạm kiểm dịch Thủ Đức lại tiếp tục công việc tuần tra. Lần này, họ lại phát hiện xe khách mang biển kiểm soát 35B-005.06 do ông Hoàng Khắc Thìn điều khiển vận chuyển 50 con gà sống từ Ninh Bình đi Cà Mau để nuôi nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Mặt khác, số gà này để trong khoang hành lý của xe khách, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Đoàn kiểm tra liên ngành đã xử phạt hành chính theo NĐ90/2017/NĐ-CP, chủ phương tiện tự nguyện xin tiêu hủy số gà trên và nộp phạt theo quy định.
Theo anh Phạm Ngọc Chí, qua bàn tay phù phép của các đối tượng buôn lậu, người dân không thể nào biết được thịt kém chất lượng nên ăn vào sẽ dễ mắc bệnh ngay. Nghĩ đến điều đó các cán bộ kiểm dịch thú y lại luôn tự nhủ mình không được lơi lỏng, lơ là trong công việc được giao, dù công việc đó phải thức trắng đêm.
Dọa tạt axít, thậm chí còn bị dọa giết
Công việc đêm hôm khuya khoắt, cán bộ thú y nam đi làm cũng đã vất vả, thế nhưng phụ nữ làm công việc này còn vất vả trăm bề. Không chỉ vất vả, họ còn luôn nhận được những lời đe doạ từ những người chuyên chở hàng lậu. Còn nhớ mấy năm trước, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh cũng từng vào cuộc điều tra khi chị Đặng Thị Tuyết, nguyên Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, bị người lạ nhắn tin đòi thuê giang hồ từ Nghệ An vào “thịt” và tạt axít. Cuộc điều tra cuối cùng bế tắc vì có quá nhiều “kẻ khả nghi”. Bởi chị Tuyết khi còn đương nhiệm đã tham gia bắt rất khá nhiều vụ hàng lậu tuồn vào thành phố.
Chị Đặng Thị Tuyết nhớ lại, không chỉ bị dọa dẫm, chị còn từng bị tấn công trực tiếp. Lần đó, chị Tuyết đến kiểm tra cơ sở kinh doanh trứng gia cầm của ông Trương Công Vương (quận 2). Bấy giờ, cúm gia cầm đang hoành hành, TP Hồ Chí Minh cấm nuôi vịt trong nội thành nhưng ông Vương vẫn cho ấp trứng nở thành vịt con để nuôi. Chị yêu cầu chấm dứt sai phạm thì ông Vương cầm 2 con dao lao về phía chị. “May mắn có người trong vựa trứng kịp tước dao khỏi tay ông Vương. Chưa hả cơn tức, ông Vương lấy cuốc phá xe máy của chị rồi lao tới đánh vào đầu, bóp cổ và dọa: Tao chỉ cần bỏ 30 triệu đồng là xe tải đè nát mày”, chị Tuyết nhớ lại.
Là cán bộ nữ duy nhất của trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, đến nay chị N.T.M (xin được giấu tên) đã gắn bó với nghề kiểm dịch động vật cũng hơn 10 năm. Hơn 10 năm công tác, cũng là khoảng thời gian chị không hoàn thành công việc của một người mẹ, người vợ trong gia đình bởi đặc thù công việc phải làm đêm và vắng nhà thường xuyên. Tuy nhiên, cũng do “trời thương”, chị M. đã có một hậu phương vững chắc là người chồng, người thân yêu luôn ủng hộ để chị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chị M. cho biết, từ thứ hai đến thứ 6 hàng tuần, công việc chăm sóc các con từ miếng ăn, giấc ngủ lẫn chuyện quần áo, đi học… đều một tay người chồng và người thân chăm lo thay chị. Chỉ duy nhất hai ngày cuối tuần chị M. mới có cơ hội được đưa đón, chăm sóc và vui chơi cùng với các con của mình. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm chống dịch bệnh tả lợn châu Phi nên khoản thời gian ít ỏi bên gia đình của chị M. cũng đã giảm còn nửa và một nửa còn lại chị dành cho công việc chống dịch.
Theo chị M., người chồng của cán bộ chống dịch đóng vai trò rất quan trọng để họ làm tốt công việc tại cơ quan. Lấy vợ làm cán bộ chống dịch là phải kiêm luôn chức năng của một người mẹ trong gia đình để thay vợ dạy dỗ, chăm sóc con cái. Mỗi lần có ca trực đêm, khi trở về nhà, thấy chồng tranh thủ dậy sớm nấu cơm, chăm sóc con cái thay mình là chị M. lại thấy rất vui và thương chồng nhiều hơn. Cũng vì chồng đã không bỏ rơi mà luôn kề vai, sát cánh san sẻ khó khăn với vợ để chị có thể bám trụ được với nghề đến hôm nay.
“Trong ngành thú y, có không ít bạn nam khi biết bạn gái mình làm công tác kiểm dịch động vật, công tác tiêm phòng thú y… thì đã đòi chia tay. Thậm chí, khi cưới nhau về, thấy vợ làm công việc suốt ngày phải làm đêm ngoài đường, lâu lâu còn nhận được tin nhắn đe dọa bị sát hại chồng, con… nên một số người chồng của cán bộ chống dịch nữ đã đòi ly dị hoặc yêu cầu vợ phải chuyển công tác khác để gia đình có cuộc sống yên ổn”, chị M. cho biết thêm.
“Với phụ nữ có con nhỏ, họ đâu chỉ làm ngày 8 tiếng mà công việc đòi hỏi họ phải xong việc mới được về. Trung bình một cán bộ tham gia chống dịch phải làm 12 tiếng/ngày. Mặt khác, công việc chống dịch thường xuyên phải đối mặt với sự chống trả của các đối tượng vận chuyển hàng lậu. Bởi khi lợi nhuận cao nhiều đối tượng vì bị “mất hàng” còn nhắn tin đe dọa, thậm chí dọa giết cán bộ chống dịch ở các cửa ngõ. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, bởi đây là “điểm nóng” của vận chuyển hàng lậu từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào thành phố”, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Ông Huỳnh Tấn Phát cho biết, số cán bộ chống dịch tại các trạm kiểm dịch động vật, thú y có khoảng 303 lao động thì nữ giới chiếm tới 1/3 số lượng. Công việc chống dịch tại các cửa ngõ tuy vất vả nhưng các chị em phụ nữ vẫn luôn phấn đấu hoàn thành công việc được giao dù đó là công việc đi tuần hay đi kiểm tra liên ngành dọc các tuyến quốc lộ để bắt hàng lậu.
Khó tuyển lao động trẻ
Cũng vì tính chất công việc vất vả, thường xuyên phải đi đêm về sáng sớm nên việc tuyển dụng cán bộ trẻ tại các trạm kiểm soát động vật nằm ở cửa ngõ thành phố hiện nay rất khó khăn. Bởi theo ông Huỳnh Tấn Phát, đa phần lao động trẻ khi nghe tới công việc chống dịch là thường xuyên tăng ca vào ban đêm nên đều tỏ ra e ngại. Mặt khác, mức lương, chế độ phụ cấp của các cán bộ chống dịch thường thấp hơn mức lương của các công việc khác và không phải làm đêm nên lao động trẻ cũng không mặn mà với nghề này.
Hiện nay, toàn TP Hồ Chí Minh có 37 đầu mối chuyên quản lý việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có bốn trạm kiểm dịch động vật trực thuộc Chi cục thú y. Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức là trạm nằm trên cửa ngõ trọng điểm nên tính chất công việc rất phức tạp. Nơi đây chuyên kiểm soát, ngăn chặn gia súc, gia cầm được vận chuyển lậu từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc nhập vào TP Hồ Chí Minh và “quá cảnh” đi các tỉnh miền Tây.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, mỗi ngày tại trạm có khoảng 50 xe tải chở lợn với số lượng hơn 3.500 con lợn sống từ Đồng Nai và các tỉnh “quá cảnh” đi các tỉnh miền Tây. Trong số đó, có từ 2.000 - 2.400 con lợn được vận chuyển vào các lò mổ ở TP Hồ Chí Minh, còn lại hơn 1.000 con lợn “quá cảnh” để đi các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang… Ngoài ra, mỗi ngày còn có hơn 100 xe tải đông lạnh chở lợn thành phẩm vào trung tâm TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
“Công tác chống dịch tại cửa ngõ này được thành phố rất quan tâm và tập trung khá nhiều lực lượng. Tuy nhiên, do đặc thù là địa bàn rộng, quân số mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ; phương tiện, vật chất phục vụ anh em công tác còn hạn chế, thiếu thốn, vất vả nhưng không vì thế mà anh em cán bộ chống dịch dám lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm. Ngược lại, họ luôn hoàn thành xuất sắc tất cả các nhiệm vụ được giao”, ông Phát cho biết thêm.
Theo ông Phạm Ngọc Chí, với sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành và thường xuyên có những đoàn kiểm tra dọc các tuyến quốc lộ phía Đông thành phố nên đến nay thành phố vẫn được đảm bảo an toàn, không có dấu hiệu lây lan của dịch bệnh tả lợn châu Phi từ các tỉnh vào. Từ trước Tết đến nay, đơn vị chưa phát hiện lô lợn nào từ khu vực dịch bệnh hay lợn không rõ nguồn gốc nhập vào TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, mỗi khi nhận được tin báo có xe chở lợn né trạm, lực lượng liên ngành lập tức tổ chức chốt chặn để kiểm tra xử lý nghiêm túc nhằm ngăn chặn nguồn thịt “bẩn” tuồn vào thành phố.
Là những cán bộ phải làm đêm thường xuyên tại điểm “nóng” nhất của thành phố nhưng với bản tính không ngại khó, dám đương đầu với cái xấu nên thời gian qua Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức luôn đi đầu trong việc phát hiện, bắt số vụ vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép. Ngoài ra, các cán bộ thú y tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng đã biết tận dụng sự phối hợp với các cơ quan chức năng để dễ dàng trong công tác, kiểm tra xử lý bắt hàng lậu qua cửa ngõ phía Đông. Điều cuối cùng phải nói đến, là sau lưng các cán bộ chống dịch tại cửa ngõ phía Đông, luôn có một hậu phương vững chắc là gia đình luôn động viên, san sẻ công việc để các cán bộ chống dịch luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, TP Hồ Chí Minh là một trong những đầu mối tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước với số lượng tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn mỗi ngày (tương đương 800 tấn/ngày) vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Hiện các cán bộ liên ngành đang kết hợp tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra từ cửa ngõ vào thành phố, lò mổ đến các chợ đầu mối; gia tăng các điểm chốt chặn, các cửa ngõ vào thành phố để ngăn chặn các xe chở lợn từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào thành phố. Để làm tốt công tác chống dịch, người làm công tác chống dịch cũng đang phải căng mình tại các cửa ngõ để luôn đảm bảo có nguồn thịt lợn “sạch”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trước khi đem vào thành phố tiêu thụ.