Dịch tả lợn châu Phi đến miền Trung, TP Hồ Chí Minh 'căng mình' chốt trực tại các cửa ngõ

Lo ngại dịch tả lợn châu Phi tràn vào TP Hồ Chí Minh, hiện các cơ quan chức năng thành phố đang căng mình chốt chặn 24/24h tại cửa ngõ để ngăn nguồn thịt lợn bệnh tuồn vào thành phố tiêu thụ.

Chú thích ảnh
Các trạm kiểm dịch động vật tại cửa ngõ phun xịt hóa chất khử trùng trước khi lợn sống được đem vào thành phố.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, đến nay chưa phát hiện thịt lợn từ phía Bắc tuồn vào thành phố dù mỗi ngày phải nhập khoảng 80% nguồn cung thịt lợn từ các tỉnh lân cận. “Thành phố đã yêu cầu lò mổ trên địa bàn cam kết không nhận lợn ở phía Bắc, chỉ nhận lợn của vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nên người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm. Ngoài ra, 24 quận, huyện cũng đã tăng cường kiểm soát các lò giết mổ, tập trung kiểm soát tại các trạm đầu mối giao thông, chợ đầu mối, chợ truyền thống… nhằm đảm bảo nguồn gốc rõ ràng của mặt hàng thịt lợn khi đến tay người tiêu dùng”, ông Trung cho biết thêm.

Cũng đang băn khoăn về dịch tả lợn châu Phi, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, việc chênh lệnh về giá thịt lợn đang quá cao tại các chợ truyền thống cũng là nguyên nhân cho thịt lợn mắc bệnh được tuồn vào thành phố tiêu thụ.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, dịch tả lợn châu Phi không lây qua người. Tuy nhiên, lợn chết mà tiếc và cố đưa vào thị trường thì ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, chưa nói nguy cơ mắc những mầm bệnh khác. Vi rút mầm bệnh từ lợn có loại tồn tại cả ngàn ngày trong thịt đông lạnh, thịt nguội, xúc xích… khi vào cơ thể người chúng có thể gây ra nhiều loại bệnh cho con người.

“Do đó, để kiểm soát các dịch bệnh từ lợn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã tăng cường kiểm tra nguồn gốc thịt lợn tại chợ đầu mối, lò mổ, chợ truyền thống thông qua hình thức vòng truy xuất và kiểm tra các loại giấy tờ hành chính về xuất nhập thịt lợn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo, không nên mua thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, cần mua thịt lợn tại các cửa hàng kinh doanh có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra thịt lợn tại các chợ đầu mối.

Ông Phạm Ngọc Chí, trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, không cần chờ đến khi có thông báo dịch tả lợn châu Phi, từ sau Tết Nguyên đán, các cơ quan liên ngành của thành phố cũng thường xuyên tăng cường cán bộ túc trực 24/24h tại các cửa ngõ để kiểm tra các loại thực phẩm sống vào thành phố. Mỗi cửa ngõ đều có một trạm kiểm dịch động vật nằm trên tuyến quốc lộ chính. Ngoài ra, tổ công tác liên ngành bao gồm: cán bộ thú y phối hợp cùng cảnh sát giao thông, dân phòng, ban quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm… thường xuyên kiểm tra trên các tuyến đường có nhiều xe khách, xe du lịch lưu thông. Vì rằng đa phần, các loại thực phẩm “bẩn” được tuồn vào thành phố đều “ngụy trang” trên các xe khách, xe du lịch… để qua mắt lực lượng chức năng. Tuy nhiên, đến nay tại trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức chưa phát hiện trường hợp lợn bệnh nào từ các tỉnh được tuồn vào thành phố.

Trước mối nguy dịch tả lợn châu Phi lây lan vào thành phố, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu các đơn vị cần phối hợp thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Các quận huyện nào chưa có ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật thì cần thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch động vật, kiện toàn lực lượng, kiểm tra thường xuyên tại các cửa ngõ vào thành phố, các chợ truyền thống, các lò mổ… trên địa bàn quản lý.

Tối ngày 18/3 tại quốc lộ 1A, đoạn qua quận Thủ Đức, tổ công tác liên ngành TP Hồ Chí Minh khi chốt chặn kiểm tra đã phát hiện xe khách BKS 69B-003.33 do ông Nguyễn Văn Đạo điều khiển, vận chuyển 245 kg phụ phẩm bò từ Chợ Sặc (Đồng Nai) về Làng Tròn, thị xã Giá Rai, Bạc Liêu để tiêu thụ. Tại thời điểm phát hiện, số phụ phẩm này đã bốc mùi hôi thối nên các cơ quan chức năng đã tịch thu và đem đi tiêu hủy.
Trong tối cùng ngày, Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng phát hiện xe khách mang BKS 35B-005.06 do ông Hoàng Khắc Thìn điều khiển, vận chuyển 50 con gà sống từ Ninh Bình đi Cà Mau để nuôi, nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định. Khi phát hiện, đoàn kiểm tra cũng đã xử phạt hành chính theo NĐ90/2017/NĐ-CP. Chủ phương tiện cũng tự nguyện xin tiêu hủy số gà trên và nộp phạt theo quy định.

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Đã xác định đối tượng đăng thông tin sai sự thật về thịt lợn nhiễm sán ở Bắc Ninh
Đã xác định đối tượng đăng thông tin sai sự thật về thịt lợn nhiễm sán ở Bắc Ninh

Ngày 19/3, Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết đã mời đối tượng Nguyễn Bá Mạnh (sinh năm 1987) trú tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành lên để làm rõ việc đối tượng này đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội về sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại trường Mầm non Ngũ Thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN