Chợ truyền thống ế ẩm
Thường xuyên đi chợ và mua thịt lợn tại một quầy thịt trong chợ truyền thống trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2, TP Hồ Chí Minh), nhưng những ngày gần đây, chị Nguyễn Mỹ Hiền đã không mua thịt lợn ở đây nữa dù người bán đon đả mời chào. Chị Hiền cho hay, trước thông tin về bệnh tả lợn châu Phi, chị đã quay sang mua thịt lợn ở siêu thị Coop Mart hoặc hệ thống các siêu thị mini Bách hoá xanh, cửa hàng Vissan... để đảm bảo an toàn.
Cũng vì tâm lý e ngại của người tiêu dùng, những ngày gần đây, tình hình kinh doanh thịt lợn tại các chợ truyền thống, chợ tự phát tại TP Hồ Chí Minh đang khá ế ẩm, đìu hiu.
Tại chợ Phước Bình (quận 9), chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… mỗi tiểu thương bán thịt lợn lại mang một tâm trạng khác nhau. Người thì đứng đuổi ruồi, người thì luôn miệng mời chào người đi chợ ghé mua thịt lợn... nhưng rất ít người ghé qua hàng thịt, mặc dù là khách hàng quen.
Chị Ngô Thị Trà, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phước Bình (quận 9) luôn tay đuổi ruồi bằng một cái cây quấn ni lông, cho biết: "Mấy ngày nay thịt lợn rất ế ẩm, người đi chợ đa số chỉ ngó qua chứ không mua. Họ chuyển sang mua thịt bò, thịt gà hoặc cá hết rồi".
Tương tự, chị Tố Trinh, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) cho hay, khi chưa có tin dịch bệnh tả lợn châu Phi, trung bình một ngày chị bán từ 2-3 con lợn (khoảng 70 - 80 kg/con), thậm chí có ngày bán nhiều hơn vì chị vừa bán lẻ, vừa bỏ mối cho các cửa hàng bán thức ăn sáng. Tuy nhiên, mấy ngày qua, mỗi ngày chị chỉ bán được khoảng một con và phải tới chiều tối mới hết hàng. Nguyên nhân theo chị, mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại miền Nam, song do tâm lý e ngại dịch bệnh nên người tiêu dùng cũng hạn chế mua thịt lợn.
Sức mua thịt lợn đạt chuẩn tăng cao
Trái ngược với tình trạng ế ẩm tại chợ truyền thống, chợ tự phát... sức mua thịt lợn tại các hệ thống siêu thị lại tăng mạnh, bởi nơi đây chủ yếu nhập hàng trực tiếp từ các đầu mối uy tín như: Vissan, Nam Phong, Anh Hoàng Thy, SagriFood… Hầu hết thịt lợn từ các nguồn này đều đạt chuẩn VietGAP nên người tiêu dùng tin tưởng, an tâm sử dụng.
Từ 8 giờ sáng, quầy thịt lợn của siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1) đã đông nghịt khách. Chị Trang - nhà gần siêu thị này, cho biết hơn tháng nay chị chỉ mua thịt ở siêu thị để chế biến các món ăn cho gia đình. "Mua ở siêu thị yên tâm hơn mua bên ngoài. Hơn nữa, thịt trong siêu thị là thịt VietGAP", chị Trang cho biết.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ngay khi có thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, hệ thống đã ngay lập tức áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát nguồn thịt lợn tốt nhất vào siêu thị. Ngoài việc việc tăng tần suất kiểm soát, đơn vị cũng tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm bất ngờ tại các siêu thị để đảm bảo an toàn khi bán đến tay người tiêu dùng.
“Từ khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi, hệ thống bán lẻ của đơn vị trên cả nước không những chưa bị ảnh hưởng mà còn ghi nhận sức mua thịt lợn tươi tăng lên từng ngày. Cụ thể, từ sau thông tin xảy ra dịch tả lợn châu Phi, mức tiêu thụ thịt lợn trong những tuần qua của hệ thống tăng trung bình hơn 20%. Các ngày thông thường, hệ thống siêu thị tiêu thụ trung bình 45 - 50 tấn thịt lợn/ngày nhưng các ngày cuối tuần gần đây, mức tiêu thụ thịt lợn trung bình tăng 60 - 70 tấn/ngày”, ông Kiên cho biết.
Mặc dù sức mua ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng giá thịt lợn vẫn đang ở mức cao và tăng mạnh. Cụ thể, thịt lợn đùi dao động từ 90.000 – 110.000 đồng/kg, ba rọi có giá 110.000 – 120.000 đồng/kg (tùy loại), sườn non 170.000 đồng/kg… Tiểu thương tại các chợ cho biết, giá thịt lợn hiện nay không giảm mà còn tăng thêm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg mỗi loại so với tuần trước.
Lý giải về giá mặt hàng thịt lợn vẫn ở mức cao, tiểu thương tại các chợ cho biết, để tránh lợn bệnh được tuồn vào TP Hồ Chí Minh, thành phố đã chỉ đạo không cho nhập lợn thịt từ các tỉnh phía Bắc vào thành phố tiêu thụ, khiến thiếu nguồn cung. Ngoài ra, tiểu thương các chợ còn cho rằng, nguồn thịt lợn hiện nay được lấy từ các trại có phòng chống và kiểm dịch tốt nên giá thường khá cao.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có 12 lò mổ tập trung nên cũng dễ kiểm soát thịt lợn nhiễm bệnh hơn. Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng, người dân nên chọn mua thịt lợn ở những điểm bán được cấp phép, không nên mua thịt lợn trôi nổi để đảm bảo an toàn sức khỏe.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước. Trung bình mỗi ngày, thành phố tiêu thụ trên dưới 10.000 con lợn, tương đương khoảng 800 tấn thịt/ngày. Tuy nhiên, số lượng lợn chăn nuôi tại thành phố chỉ đủ đáp ứng 20% nhu cầu, phần còn lại thành phố nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang…