Trước tình hình đó, tỉnh tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh. Tại vùng dịch xã Quỳnh Mỹ, nhiều chốt kiểm dịch đã được thiếp lập. Cơ quan chức năng cùng với người dân phun hóa chất khử trùng trên các trục đường, rắc vôi bột... ở các khu vực chuồng trại nuôi lợn. Những hộ nuôi lợn giáp ranh ổ dịch tại xóm 7 và 8 cũng tích cực phòng dịch bằng nhiều biện pháp.
Gia đình chị Nhữ Thị Thuận ở xóm 5, xã Quỳnh Mỹ đang nuôi 1 con lợn nái và 15 lợn con gần 1 tháng tuổi cho biết, khi nghe thông tin có dịch xuất hiện ở xóm 7, gia đình rất lo lắng bệnh dịch có thể lây lan. Vì thế, gia đình đã tăng cường theo dõi tình trạng đàn lợn; rắc vôi bột, phun thuốc... để đảm bảo cách ly an oàn cho đàn lợn. Nếu phát hiện vật nuôi có triệu chứng bất thường thì báo ngay cho chính quyền địa phương.
Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có tổng đàn lợn khoảng 42.000 con. Ngày 15/3, sau khi phát hiện một con bị chết ở xã Quỳnh Thạnh và xét nghiệm cho kết quả âm tính với dịch bệnh tả lợn châu Phi, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều đã lập chốt kiểm dịch; thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên ở các xã, xóm để nắm bắt tình hình và chủ động kiểm soát dịch bệnh.
Tại thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, Trạm Kiểm dịch động vật Bắc Nghệ An hoạt động liên tục 24 giờ/ngày. Đây là vùng giáp ranh 2 huyện đã có dịch là Tĩnh Gia (Thanh Hóa) và Quỳnh Lưu (Nghệ An) nên người chăn nuôi đang nỗ lực bảo vệ an toàn cho đàn lợn. Nhiều địa phương như: Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Kỳ Sơn... cũng thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, ngày 16/3, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp; tăng cường nhân lực, vật lực, kinh phí... nhằm phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp.