Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian qua dịch tả lợn châu Phi đã kéo dài âm ỉ và đến nay đã bùng phát tại 17 tỉnh, thành trên cả nước với mức độ lây lan nhanh. Dù các bộ ngành liên quan đã triển khai nhiều biện pháp nhưng dường như vẫn chưa đủ mạnh để đẩy lùi nạn dịch này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra nếu nguy cơ lây lan rộng trên toàn quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân cũng như ngành chăn nuôi và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, ngay khi dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn số 325/TCQLTT-CNV ngày 20/2/2019 yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn thuộc ngành nông nghiệp và y tế kiểm tra việc vận chuyển, kinh doanh lợn, thịt lợn và các sản phẩm từ lợn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lây lan tại Việt Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại, ngày 8/3/2019 Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục có công văn số 452/TCQLTT-CNV yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Mặt khác, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn.
Đặc biệt, lực lượng cũng đã cử công chức trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi của UBND tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực gần cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, chợ đầu mối, chợ trung tâm, trung tâm thương mại, các tuyến, địa bàn trọng điểm đường bộ, đường biển, đường sắt.
Hơn nữa, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; vận dụng các chế tài, biện pháp xử lý mạnh đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Vụ đã cùng đơn vị trong Bộ theo dõi sát tình hình cung cầu và tuyệt đối không để xẩy ra tình trạng bất ổn thị trường.
Ngoài ra, Vụ cũng phối hợp với Cục Xuất Nhập khẩu triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh và kiểm soát lưu thông nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu; kiểm soát khách du lịch, mang sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Duy Đông, thời gian qua, Vụ đã đi làm việc với các địa phương và những nơi cung ứng thịt lợn nhiều nhất như Đồng Nai, Hà Nam...
Hiện tại, nguồn cung không thiếu nhưng điều khiến Vụ lo ngại nhất là cầu giảm bởi những thông tin chưa đúng là dùng thịt lợn tại thời điểm này sẽ không an toàn.
Thậm chí, nhiều trường học cam kết với phụ huynh không chế biến, đưa thịt lợn vào bữa ăn của học sinh khiến giá thịt lợn giảm. Vì vậy, Vụ Thị trường trong nước sẽ làm tốt việc thông tin và làm việc với nhà phân phối để giữ giá tốt nhất cho nhân dân. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát dịch nhưng cũng đảm bảo lợi ích của bà con chăn nuôi lợn.
Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, ngay khi có Chỉ thị của Thủ tướng, Cục đã phối hợp tham mưu cho Bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cầu trong nước và ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ các nước có dịch bệnh.
Mặt khác, Cục cũng tiến hành rà soát các quy định pháp luật liên quan; trong đó, luật quản lý ngoại thương quy định về việc khẩn cấp, ban hành việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Để đảm bảo cung cầu trong nước cũng như tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ các nước đang có dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho những hộ nông dân, những nhà chăn nuôi lợn và các thương nhân phân phối để tích trữ thịt lợn thời gian tới, đảm bảo nguồn thịt lợn dự trữ.
Đặc biệt, Cục cũng đề xuất cần thiết ban hành quyết định, cấm nhập khẩu thịt lợn qua đường bộ, đường sắt vào thị trường Việt Nam bởi khi dịch tả lan rộng ra cả nước, việc xuất khẩu thịt lợn sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, phải kiên quyết triển khai các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh để giữ thị trường xuất khẩu thịt lợn.
Sau khi nghe các đơn vị thuộc Bộ báo cáo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao việc Tổng cục Quản lý thị trường đã cập nhật thông tin kịp thời và chỉ đạo tới từng địa phương trong việc phòng chống dịch bệnh.
Mặc dù bộ máy cán bộ chưa hoàn tất nhưng lực lượng quản lý thị trường đã ban hành, bám sát hoạt động thương mại... đóng góp chung của lực lượng tạo thuận lợi chung cho các địa phương trong phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp và còn nguy cơ tăng nhanh thì các giải pháp thời gian qua thực sự vẫn chưa đủ mà phải sâu sát hơn và có những giải pháp thực chất hơn nữa.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tất cả lãnh đạo Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường quán triệt thực hiện nghiêm việc xử lý dịch bệnh tránh việc ảnh hưởng lớn đến đời sống, người dân và doanh nghiệp; tránh ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, CPI, sức khỏe người tiêu dùng và an toàn thực phẩm.
Theo Bộ trưởng, ngay trong tháng 3 này Tổng cục Quản lý thị trường phải tổ chức ngay Đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá về việc tổ chức triển khai nhiệm vụ và phối hợp tại các địa phương đang có dịch bệnh, nguy cơ lây lan và đường biên giới. Trên cơ sở diễn biến tại các địa phương cần làm rõ nguyên nhân, nguy cơ diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường bố trí đầy đủ thành phần của các đơn vị khác như văn phòng Bộ, Cục Xuất Nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước để đánh giá đầy đủ tình hình dịch bệnh, những tác động tới thị trường và nguy cơ dịch bệnh qua biên giới để có những giải pháp cụ thể.
Bộ trưởng cũng lưu ý Văn phòng Bộ cần chủ động phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường để làm tốt việc thông tin truyền thông, tạo ra những kế hoạch những biện pháp cụ thể, phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường phải sớm xây dựng kế hoạch, cô lập vùng có dịch bệnh tránh lây lan sang các vùng khác; chủ động khai thác thông tin nguồn bệnh, những vi phạm trong kinh doanh để đảm bảo thị trường.
Hơn nữa, Vụ Kế hoạch, Cục Xuất Nhập khẩu nên tổng hợp đánh giá, cân đối bình ổn thị trường thông qua kịch bản tăng trưởng, đề xuất giải pháp phối hợp các Bộ ngành, có thông tin kịp thời để không ảnh hưởng đến thị trường, nhất là đối với ngành chăn nuôi lợn. Đáng lưu ý, giải quyết dịch bệnh trong nước nhưng vẫn giữ được thị trường xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam.