Những người lính ‘hoãn cưới’ để chống dịch

Thiệp hồng đã in, ngày lành tháng tốt đã định, người thân, gia đình hai họ, bạn bè đã sẵn sàng cho ngày cưới, nhưng những người lính biên phòng tình nguyện gác lại hạnh phúc riêng để toàn tâm, toàn ý “đánh giặc COVID-19”.

Chú thích ảnh
Đại úy Lê Thừa Văn (trái) báo cáo kết quả công tác với thiếu tá Nguyễn Xuân Thế.

Gác lại hạnh phúc riêng

Chúng tôi đến Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) những ngày cuối năm, cùng đi tuần tra biên giới với cán bộ, chiến sỹ biên phòng kiểm soát, chốt chặn các đường mòn lối mở và về từng thôn bản để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều.  

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thế, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Lao Bảo, kể: Đại úy Lê Thừa Văn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng và bạn gái Nguyễn Thị Thu Thùy đã trải qua 4 năm yêu nhau. Hai bên gia đình đã chọn ngày lành, tháng tốt để tổ chức hôn lễ, nhưng vì trách nhiệm của người chiến sĩ trước mùa dịch COVID-19 nên Văn đã xin hoãn cưới khi thiệp mời đã gửi đến bà con hai họ và bạn bè.  

Đại uý Lê Thừa Văn tâm sự: “Lúc đầu gia đình cũng bất ngờ, nhưng trước sự đồng lòng của cả hai chúng em, gia đình đã chấp nhận hoãn ngày vui”.  

Chia sẻ về quyết định của người yêu, chị Nguyễn Thị Thu Thùy cho biết: “Dù có chút hơi buồn khi ngày vui không được tổ chức như mong muốn, nhưng chúng em đã có 4 năm yêu nhau, hiểu về công việc của nhau và đều có chung trách nhiệm với cộng đồng, nhất là trong lúc cả nước đang gồng mình chống dịch, nên đó cũng là một việc nên làm”.  

Với 26 tuổi đời, 8 năm trong quân ngũ, đại úy Lê Thừa Văn luôn là một gương mặt trẻ tiêu biểu với nhiều thành tích trong học tập và công tác. Năm 2016, anh được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc khóa đào tạo sỹ quan cấp phân đội.  

Văn cũng là một trong 100 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô, được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.  

Trong công tác, đại úy Lê Thừa Văn luôn chủ động xây dựng, thực hiện các kế hoạch, tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho nhân dân nơi công tác để góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân. Anh còn là một bí thư đoàn cơ sở gương mẫu, xung kích trong hoạt động đoàn và phong trào thanh niên.

Đặc biệt, trong phong trào “Thanh niên bộ đội biên phòng làm theo lời Bác” và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm”, anh là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, sĩ quan trẻ trong đơn vị học tập và noi theo.  

Hằng tháng, đại úy Lê Thừa Văn cùng các đoàn viên của đồn biên phòng đã duy trì mô hình “Tay kéo biên phòng”, tổ chức các điểm cắt tóc miễn phí cho hơn 500 em nhỏ là người dân tộc thiểu số Pa Cô, Vân Kiều ở các bản trên địa bàn đơn vị phụ trách.  

Trong mô hình “Tiết học biên giới” được triển khai trên địa bàn thị trấn Lao Bảo, đại úy Lê Thừa Văn trực tiếp soạn giáo án, lên lớp giới thiệu những kiến thức về biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ cho hơn 1.200 lượt học sinh, thầy cô giáo.  

Hai lần hoãn cưới

Ở Đồn biên phòng Phú Gia (tỉnh Hà Tĩnh), chúng tôi cũng được nghe câu chuyện về thượng úy Nguyễn Tiến Đua, Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy đã hoãn cưới 2 lần để chống “giặc” COVID-19.

Chú thích ảnh
Ảnh cưới của thượng úy Nguyễn Tiến Đua và vợ Nguyễn Bích Hồng Hoa (ảnh chụp khi anh Đua mang cấp bậc trung uý). Ảnh do nhân vật cung cấp

“Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay tôi chưa thể về thăm nhà. Những đêm trực, nhìn sương giăng phủ núi rừng, nỗi nhớ nhà, nhớ thương vợ càng thêm da diết. Nhưng vì cuộc chiến chống dịch COVID-19 nên tôi luôn tự nhủ phải gác lại việc riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ quân đội và nhân dân giao phó”, thượng úy Nguyễn Tiến Đua chia sẻ.  

Hai năm qua, thượng úy Nguyễn Tiến Đua và các đồng đội ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ các chốt kiểm soát ở biên giới, vừa chống dịch vừa chống các hoạt động buôn bán ma túy, buôn lậu, vượt biên trái phép.

“Tôi và vợ Nguyễn Bích Hồng Hoa (sinh năm 1995, trú tại xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) yêu nhau từ khi tôi đang là học viên Học viện Biên phòng. Năm 2017, tôi ra trường, nhận nhiệm vụ công tác tại Đồn biên phòng Phú Gia. Suốt 7 năm yêu nhau, chúng tôi cũng đã trải qua nhiều thử thách, đủ để hiểu và thông cảm cho nhau. Yêu và nhận lời lấy tôi, cô ấy phải thiệt thòi nhiều lắm”, thượng úy Nguyễn Tiến Đua tâm sự.  

Kể về hai lần hoãn cưới của mình, thượng úy Nguyễn Tiến Đua cho biết: “Lần 1 vào ngày 12/4/2020. Khi đó, hai bên gia đình đã ăn hỏi, dạm ngõ, thiệp hồng cũng đã in, ngày cưới cũng ấn định. Nhưng dịch COVID-19 bùng phát, tôi nhận được lệnh của đơn vị tăng cường lên chốt biên giới chống dịch. Tôi và vợ hụt hẫng lắm. Nhưng khi biên giới và đất nước đang cần, nên tôi đã quyết định gác lại chuyện riêng tư để lên đường làm nhiệm vụ”.

Đến tháng 8/2020, dịch COVID-19 tạm lắng xuống, hết giãn cách xã hội, thượng uý Đua cùng người yêu chọn ngày 15/8/2020 để tổ chức đám cưới. “Tôi háo hức chờ đến ngày được nắm tay vợ xinh đẹp trong chiếc váy cưới tinh khôi trước sự chứng kiến, chúc mừng của hai bên gia đình, người thân, đồng đội, bạn bè... Vậy mà, trước lễ cưới vài ngày, bất ngờ dịch lại bùng phát.  

Lúc ấy, tại Hà Tĩnh vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 nào, nhưng chính vợ đã động viên tôi hoãn cưới lần thứ 2 để làm tròn nhiệm vụ đơn vị giao cũng như gương mẫu làm theo khuyến cáo của Nhà nước tránh tụ tập đông người.  

Tôi vẫn nhớ như in câu nói của vợ: Anh cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Em đợi được mà. Hết dịch, ta sẽ về chung một nhà”. Sau hai lần làm đám cưới “hụt”, ngày 10/10/2020, thượng úy Nguyễn Tiến Đua và vợ chính thức về chung một nhà.  

Nhưng từ khi tổ chức lễ cưới đến nay, thời gian hai bạn trẻ ở cùng nhau cũng chỉ đếm trên “đầu ngón tay” bởi hết đợt dịch này lại đến đợt dịch khác bùng phát. Nhà và đơn vị công tác ở cùng một huyện, nhưng đã 4 tháng qua, anh chưa thể về thăm người vợ trẻ bởi trận chiến với dịch COVID-19 vẫn còn căng thẳng.  

Không riêng đại úy Lê Thừa Văn hay thượng úy Nguyễn Tiến Đua, trong hai năm qua, những cán bộ, chiến sĩ quân đội đã gác lại niềm vui riêng, có người nén đau thương không thể về chịu tang cha, mẹ và người thân khi quá cố để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó.

"Tôi và vợ hụt hẫng lắm. Nhưng khi biên giới và đất nước đang cần, tôi sẵn sàng quyết định gác lại chuyện riêng tư để lên đường làm nhiệm vụ”. Thượng úy Nguyễn Tiến Đua tâm sự
Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Bộ đội Biên phòng: ‘Vành đai thép’ nơi biên cương chống dịch COVID-19
Bộ đội Biên phòng: ‘Vành đai thép’ nơi biên cương chống dịch COVID-19

Trong 2 năm qua, với tinh thần chống dịch như chống giặc”, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “kép”, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa phòng chống dịch COVID-19 xâm nhập qua biên giới, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN