Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, đoạn đường Phạm Văn Bạch đi qua địa bàn phường 15, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) còn nhiều hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, nên đoạn đường này có nơi nhô ra, chỗ thụt vào, tạo thành những “nút cổ chai”; lòng đường nhiều nơi bị chiếm dụng kinh doanh, họp chợ tự phát… khiến giao thông qua khu vực thường xuyên ùn tắc.
Anh Nguyễn Quang Minh (ngụ phường 15, quận Tân Bình) chia sẻ: “Không hiểu lý do gì mà nhà đầu tư rút đi, để lại công trình ngổn ngang nhiều năm nay. Có những đoạn không rộng mà còn hẹp thêm vì người dân bày bán, lấn chiếm lòng đường, gây khó khăn cho giao thông. Đoạn hay bị kẹt xe nhất là đoạn từ ngã ba Phạm Văn Bạch - Tân Sơn kéo dài đến đường Trường Chinh, hầu như chiều nào cũng kẹt xe. Người dân mong muốn nhà nước sớm triển khai dự án để đường thông thoáng, giảm tình trạng kẹt xe”.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch do Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, có chiều dài hơn 5,7km với đầu tuyến giáp đường Trường Chinh (thuộc phường 15, quận Tân Bình), còn cuối tuyến giáp đường Quang Trung (thuộc phường 12, quận Gò Vấp). Dự án được đầu tư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, các hộ có diện tích nhà bị giải tỏa một phần sẽ đóng góp công sức cùng với thành phố mở đường bằng cách giảm 50% đơn giá đền bù về đất. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, dự án gặp không ít khó khăn, nhất là khâu giải phóng mặt bằng.
Đến năm 2012, UBND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2005 - 2014, tăng vốn thêm hơn 400 tỷ đồng lên 680 tỷ đồng. Song, việc tăng vốn này chưa thể giải quyết dứt điểm các vướng mắc. Sau đó, chủ đầu tư tiếp tục đề nghị hoàn thành dự án vào năm 2018. Sau 3 lần điều chỉnh, đến nay dự án đã thi công được hơn 70% và phải tạm dừng đến nay.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Đinh Công Thái, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tân Bình, cho biết: "Đoạn đường từ kênh Hy Vọng đến đường Huỳnh Văn Nghệ, năm 2018, Công ty đã trồng mới 7 trụ trung thế nhưng chưa di dời lưới điện và thu hồi trụ cũ. Nguyên nhân, Ban Giao thông chưa bàn giao mặt bằng, dẫn đến tồn tại một số vị trí trụ điện nằm dưới lòng đường, trong khi đó dự án đã tạm dừng thi công từ tháng 4/2019 cho đến nay. Để đảm bảo an toàn giao thông, tránh trường hợp bị va chạm do trụ điện nằm ngay giữa đường, Công ty Điện lực Tân Bình cũng đã phối hợp sơn cảnh báo trên các trụ điện. Công ty Điện lực Tân Bình sẽ triển khai dự án mới đồng bộ với dự án giao thông ngay khi có thông báo về tiến độ và kế hoạch bàn giao mặt bằng sạch từ Ban giao thông".
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính khiến dự án này gần 20 năm vẫn chưa thể hoàn thành là do nhiều hộ dân sinh sống trên tuyến đường Phạm Văn Bạch không đồng tình với việc giảm 50% đơn giá bồi thường theo phương án đã phê duyệt. Ngoài ra, do giá đền bù không theo kịp giá nhà đất trên thị trường nên nhiều người từ chối.
Có nhà bị giải tỏa trắng của dự án này, ông Bảo Hồng (50 tuổi) sống trên đường Phạm Văn Bạch hơn 30 năm ,cho biết, mong muốn của ông là cần chỗ ở, nếu Nhà nước bố trí được chỗ ở thì ông sẵn sàng giao mặt bằng.
“Gia đình tôi có 5 người, giờ nhà bị giải tỏa trắng thì chỗ đâu ở? Nhu cầu của tôi chỉ cần có chỗ ở, chứ tôi không có đòi hỏi, nếu bố trí cho tôi chỗ ở khác thì tôi chấp thuận đi ngay”, ông Hồng chia sẻ thêm.
Liên quan đến dự án trên, bà Lê Thị Thu Sương, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết: “Dự án mở rộng đường Phạm Văn Bạch có 701 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 10 trường hợp bị giải tỏa trắng và 691 trường hợp giải tỏa một phần. Đến nay, còn 113 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Do không được bàn giao mặt bằng, đến năm 2019, dự án tạm dừng thi công”.
Theo bà Sương, dự án bị vướng mắc là bởi một số trường hợp sử dụng đất lấn chiếm chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng yêu cầu được bồi thường theo đơn giá đất ở. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giá trị bồi thường của giá thị trường với thời điểm hiện nay nên một số hộ không đồng ý với phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thông qua hình thức chịu giảm 50% giá trị bồi thường...
“Về kế hoạch thời gian tới, UBND quận đã giao cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng quản lý đô thị và các phòng ban có liên quan tiếp tục rà soát lại pháp lý, phương án bồi thường hỗ trợ của dự án và nguồn gốc quá trình sử dụng đất của các hộ dân. Trên cơ sở đó, Quận cũng mời Ban giao thông là chủ đầu tư để họp, xem xét những nội dung có liên quan đến những trường hợp cụ thể và báo cáo về UBND Thành phố để chỉ đạo thực hiện”, bà Sương cho biết thêm.