Theo đó, hàng ngày, nguồn nước thải của bệnh viện này dù chưa đảm bảo an toàn về các tiêu chuẩn rác thải y tế vẫn được xả ra môi trường.
Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành là bệnh viện tuyến huyện có quy mô gần 300 giường bệnh, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân thị trấn Yên Thành và các xã phụ cận như Bắc Thành, Tăng Thành, Xuân Thành, Hậu Thành, Quang Thành... Mỗi ngày có khoảng 500 người đến khám bệnh. Thế nhưng, hệ thống xử lý chất thải y tế ở đây, đặc biệt là chất thải lỏng vẫn chưa hoàn thiện và có dấu hiệu xuống cấp. Trong danh mục 15 tiêu chí về đảm bảo môi trường chất thải lỏng y tế sau khi xử lý thì bệnh viện mới đạt được 13 tiêu chí. Hàng ngày bệnh viện này vẫn thải ra môi trường nguồn chất thải lỏng ra hồ tự nhiên, hòa vào cống thoát nước khu vực dân cư và ruộng đồng.
Tại khu xử lý rác của Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành, phóng viên TTXVN nhận thấy có hai hệ thống xử lý rác thải y tế là chất thải rắn và chất thải lỏng. Khu vực xử lý chất thải lỏng có một bồn chứa bằng sắt cũ kỹ rộng khoảng 40 mét vuông. Toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt, y tế của bệnh viện sẽ được tập trung xử lý ở bồn sắt trước khi chảy ra ngoài tự nhiên. Bồn sắt này đã xuống cấp, không được cải tạo nhiều năm qua.
Trong khi đó, khu vực xử lý chất thải rắn là một lò đốt cao và rộng khoảng 3 mét vuông. Lò đốt này vẫn sử dụng công nghệ của Pháp đã xây dựng hàng chục năm (từ khi bệnh viện được xây dựng) nên lạc hậu. Do hoạt động bằng dầu nên mỗi khi đốt lò, đã gây ô nhiễm nghiêm trọng và người dân phản ánh rất nhiều về tình trạng này. Khu thu gom và phân loại nguồn rác thải y tế của bệnh viện đã có và việc thu gom rác được hợp đồng với một công ty môi trường ở thành phố Vinh. Thường từ 3 - 7 ngày theo lượng rác thải mới có một chuyến xe về để chuyển rác đi.
Để biết về hai tiêu chí chưa đạt trong ngưỡng an toàn về nước thải chất lỏng y tế, phóng viên đã làm việc với bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng xét nghiệm Công ty TNHH một thành viên Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường. Đây là đơn vị hợp đồng với Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành về việc lấy mẫu xét nghiệm, giám định, quan trắc định kỳ chất thải y tế. Trong 15 tiêu chí chất thải y tế ở ngưỡng an toàn lấy mẫu mới nhất của bệnh viện này vào tháng 1/2019 là: NO3–N, NH4+ -N, PO4-P, Lalmonella, Shigella, BOD5… thì có hai tiêu chí là chất NH4+ - N và BOD5 vượt ngưỡng an toàn cho phép.
Bà Trần Thị Thu Hằng giải thích, chất BOD5 này là hàm lượng hữu cơ trong nước thải, NH4+ - N là hàm lượng ammoniac gây mùi hôi thối. Nếu hai chất này cao hơn quy định và thải ra môi trường, sẽ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi phải tiếp xúc với nó. Trong báo cáo kết quả quan trắc môi trường nêu rõ, hiện nước thải ra của bệnh viện chưa đạt quy chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT trước khi thải ra môi trường. Do đó, bệnh viện cần đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý để đảm bảo chất lượng đầu ra đạt Quy chuẩn hiện hành.
Phóng viên men theo tường bao của bệnh viện ở phía ngoài thì thấy một hồ nước tự nhiên. Từ khu vực xử lý chất thải lỏng của bệnh viện, chất thải sẽ theo cống ở tường bao chảy ra hồ này. Sau đó, chảy vào khu dân cư và hệ thống hào ruộng đồng chung quanh của xóm 2, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành. Tiếp xúc với các hộ dân sinh sống ở khu vực này, người dân cho biết, do lo ngại nguồn nước thải từ bệnh viện không đảm bảo an toàn nên người dân chủ yếu dùng nước mưa và mua nước từ các xe bồn để ăn uống, còn nguồn nước ngầm ở đây chỉ dùng trong việc tắm rửa.
Ông Nguyễn Duy Chính, Giám đốc bệnh viện đa khoa Yên Thành cho biết: “Đúng là nguồn nước qua xử lý của bệnh viện vẫn chưa đảm bảo môi trường theo tiêu chí mới về rác thải y tế. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải lỏng của bệnh viện chưa hoàn thiện. Chúng tôi rất muốn đầu tư xây dựng một khu xử lý rác thải lỏng để có thể đảm bảo được nguồn nước thải ra môi trường đúng với quy chuẩn nhưng nguồn vốn không có. Như năm 2019, bệnh viện được Sở Y tế tỉnh Nghệ An cấp ngân sách gần 2 tỉ đồng. Trong khi đó, để hoàn thiện hệ thống xử lý rác thải lỏng phải tầm 7-8 tỉ đồng. Nguồn kinh phí còn lại để làm dự án chúng tôi không thể lấy đâu ra bù vào”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, do thiếu vốn, Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành rất khó khăn trong việc xử lý rác thải y tế và các hoạt động khác của bệnh viện. Hệ thống xử lý chất thải lỏng của Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành là một trong bốn bệnh viện được dự án Lien Aid của Singapore đầu tư thí điểm 4 khu xử lý nước thải cho bệnh viện tuyến huyện gồm Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương và thị xã Cửa Lò. Trong đó, chỉ có Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành chưa đạt chuẩn về đầu ra chất thải y tế.
Ngoài ra, nguồn nước sạch từ nhà máy xử lý nước sạch ở thị trấn Yên Thành chỉ cung cấp tối đa 10 khối nước/ngày cho bệnh viện, trong khi đó nhu cầu của bệnh viện sử dụng ít nhất từ 60-80 khối nước/ngày. Vì vậy, Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành phải khoan 6 giếng lấy nguồn nước ngầm mới đủ sử dụng. Bên cạnh những khó khăn trên, cơ sở vật chất của bệnh viên (các phòng bệnh, phòng chức năng…) cũng đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh; nguồn ngân sách đầu tư nhỏ giọt, trong khi nhu cầu về xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống xử lý nước thải, trang thiết bị y tế… đang là yêu cầu cấp thiết của bệnh viện.
Theo ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An, hiện nguồn nước thải y tế tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành còn 2 tiêu chí nữa chưa đủ an toàn theo quy định và Sở đang khắc phục vấn đề này.
Thiết nghĩ, các ngành liên quan cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, xử lý những tồn đọng cấp thiết tại Bệnh viện đa khoa Yên Thành để đội ngũ bác sĩ, y tá cùng cán bộ công nhân viên yên tâm công tác, đảm bảo nhu cầu hoạt động của bệnh viện và chăm lo tốt cho công tác khám, chữa bệnh cho người dân.