'Xử' công viên 23/9 để... làm gương
Việc "đòi" lại diện tích đất dành cho mảng xanh công viên không phải dễ. Cụ thể, từ giữa năm 2018, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, đã nhiều lần lên tiếng đòi lại mặt bằng khu B công viên 23/9 (quận 1) đã bị sử dụng sai mục đích, cũng như hối thúc các Sở ban ngành chức năng sắp xếp, di dời, thu hồi các mặt bằng cho thuê, trả lại nguyên trạng lá phổi xanh giữa trung tâm thành phố cho người dân và hạn chót của việc di dời các hạng mục này đến 30/4/2019. Thế nhưng từ khi có "chỉ thị" đến thời hạn cuối thì mọi việc vẫn “giẫm chân tại chỗ".
Kiên quyết "giành" lại mặt bằng cho các công viên, trong một cuộc họp hồi tháng 5, ông Nguyễn Thành Phong đã gay gắt yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng tiến hành di dời các cơ sở kinh doanh lấn chiếm tại một số công viên khu vực trung tâm; thu hồi mặt bằng, trả lại diện tích cho công viên.
Vào giữa tháng 6, ông Nguyễn Thành Phong lại tiếp tục làm việc với các Sở, ban ngành để đốc thúc việc thu hồi đất sử dụng sai mục đích tại công viên 23/9. Đây là lần thứ ba, người đứng đầu chính quyền thành phố trực tiếp "đòi" lại mặt bằng công viên 23/9 để du khách và người dân có nơi đến tham quan, thư giãn. Tuy nhiên, đến tháng 7 này, mặc dù một số hạng mục đang được tháo dỡ, nhưng nhiều hạng mục khác tại công viên 23/9 vẫn chưa được di dời hết để trả lại mặt bằng, không gian vui chơi cho người dân và du khách tại khu vực quận 1.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ di dời các hạng mục tại công viên 23/9 còn chậm là do các đơn vị bàn giao mặt bằng chậm. Công viên 23/9 hiện có nhiều đơn vị quản lý như: UBND quận 1, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường), Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, hiện mới chỉ có sân khấu Sen Hồng (Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh quản lý) đã và đang tháo dỡ để bàn giao mặt bằng. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục đốc thúc các đơn vị tại đây đẩy nhanh tiến độ di dời các hạng mục nhằm trả lại không gian cho người dân vui chơi, giải trí theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Ngoài việc đốc thúc di dời các hạng mục tại công viên 23/9 để làm gương, ông Nguyễn Thành Phong cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng có kế hoạch sớm chỉnh trang, cải tạo lại các công viên hiện hữu như: Thảo cầm viên Sài Gòn (quận 1), công viên Phú Lâm (quận 6) công viên Lê Thị Riêng (quận 10)... để tạo thêm mảng xanh cho thành phố trong thời gian chờ kêu gọi đầu tư xây dựng các công viên mới.
Xã hội hóa, tăng mảng xanh
Việc tăng mảng xanh cho người dân TP Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở giải pháp đôn đốc di dời các hạng mục vui chơi, giải trí đang tồn tại tại các công viên hiện nay, mà về lâu dài, thành phố sẽ kêu gọi xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng các công viên cây xanh tại các quận ngoại thành, điều chỉnh quy hoạch các công viên hiện hữu tại khu vực trung tâm…
Theo kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa, người có kinh nghiệm nhiều năm trong thiết kế - quy hoạch đất đai của thành phố, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh cần tăng mảng xanh cho các khu dân cư và nội thành để nâng cao chất lượng sống của người dân.
"Cụ thể, đối với khu vực ngoại thành, thường là những khu dân cư thấp tầng, người dân và nhà đầu tư mua đất làm nhà ở hay làm dự án một cách manh mún và không có tiềm lực kinh tế để đầu tư thực hiện các khu đất làm công viên cây xanh, do đó UBND Thành phố nên chủ động điều chỉnh quy hoạch để hình thành các dự án khu nhà ở phức hợp có kết hợp với khu công viên cây xanh, với phần lõi trung tâm là các công viên cây xanh.
Đối với khu vực trung tâm, Thành phố cần chủ động điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để lập các dự án quy hoạch khu nhà ở phức hợp cao tầng kết hợp khu công viên cây xanh thành các dự án trọng điểm nhằm mời gọi các nhà đầu tư".
Cũng theo kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa, để tạo thêm quỹ đất cho phát triển cây xanh trong khu vực trung tâm, thành phố cần có giải pháp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực xã hội tham gia đầu tư, quản lý khai thác công viên cây xanh một cách hiệu quả và khả thi. "Có thể xem xét kết hợp ba nhóm giải pháp: Thứ nhất, không thay đổi diện tích cây xanh quy hoạch để nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân. Thứ hai, điều chỉnh giảm tạm thời hoặc lâu dài một phần diện tích cây xanh quy hoạch. Thứ ba, giảm một phần diện tích cây xanh quy hoạch. Theo đó, Thành phố nên sử dụng kết hợp cả ba nhóm giải pháp tùy theo vị trí, hiện trạng sử dụng đất, từ đó tạo điều kiện để thu hút được các nguồn lực xã hội tích cực tham gia các dự án xây dựng công viên cây xanh mà không phụ thuộc nguồn ngân sách vốn của nhà nước", kiến trúc sư Nguyễn Đình Hòa cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết để giải bài toán nơi thừa, nơi thiếu công viên trên địa bàn, Sở đã bổ sung vào quy hoạch 214 dự án công viên cây xanh với diện tích khoảng 200 ha. Ngoài ra, thành phố đang triển khai dự án công viên cây xanh cách ly có quy mô 322 ha ở Đa Phước (huyện Bình Chánh) với tổng mức đầu tư 3.150 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Đây là một trong những dự án trọng điểm về phát triển mảng xanh của thành phố. Sắp tới, thành phố còn dự kiến triển khai xây dựng thêm năm công viên cây xanh trên toàn địa bàn như: Bình Triệu (quận Bình Thạnh) có quy mô 2 ha; phường Thạnh Lộc (quận 12) có quy mô 2,5 ha; phường Bình Thọ (quận Thủ Đức) có quy mô 5.000 m2; khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây (quận 12) có quy mô 1.000 m2; Trung Mỹ Tây 17 (quận 12) có quy mô 3.100 m2.