Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Viện Kiểm sát khẳng định bản án đúng người, đúng tội

Ngày 8/4, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần đối đáp lại quan điểm tranh luận của luật sư bào chữa và các bị cáo của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm tại phiên tòa ngày 25/3. Ảnh: Hồng Giang/TTXVN

Đại diện cơ Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại phiên tòa này, Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo không kêu oan nhưng trình bày rằng cấp sơ thẩm cáo buộc bị cáo về 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” là không đúng. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhận định, sau 2 tuần theo dõi kết quả xét hỏi cũng như bào chữa, trình bày của bị cáo Lan cùng các bị cáo khác, đối chiếu với kết quả xét xử sơ thẩm không thấy tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án.

Viện Kiểm sát một lần nữa khẳng định, bản án sơ thẩm cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai. Bản án sơ thẩm cũng đánh giá mức độ, vai trò tham gia của từng bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ để quyết định mức hình phạt đối với đa số các bị đều dưới khung hình phạt là phù hợp. Song tại cấp phúc thẩm nhiều bị cáo đã chủ động khắc phục thêm hậu quả và có một số tình tiết mới nên Viện Kiểm sát đã xem xét khách quan để đề nghị giảm nhẹ thêm cho các bị cáo này.

Đối với Trương Mỹ Lan, bị cáo phủ nhận cáo buộc về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng đồng ý trả lại tiền cho các trái chủ. Lan trình bày “tâm thức bị cáo không chiếm đoạt tiền của trái chủ” nhưng Viện Kiểm sát cho rằng, đó là tâm thức của bị cáo. Về quy định pháp luật, chính hành vi gian dối của Lan cùng đồng phạm trong phát hành trái phiếu đã khiến trái chủ tin và mua, dẫn đến mất khả năng làm chủ đồng tiền của mình. Do đó, hành vi của bị cáo Lan đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Luật sư của Trương Mỹ Lan đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án và bản chất, mối quan hệ giữa các tội bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử trong vụ án giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Luật sư lập luận bị cáo Lan thực tế không sử dụng tiền phát hành trái phiếu trong khi đã đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả cho các trái chủ để đánh giá khách quan mức độ và giới hạn vai trò của bị cáo Lan về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Đối đáp lại, Viện Kiểm sát cho rằng nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án đã được xem xét, đánh giá tại cả hai giai đoạn, được thể hiện rất rõ trong bản kết luận điều tra, bản cáo trạng và tại các bản án sơ thẩm đã được Viện Kiểm sát tranh luận đầy đủ, đây là vấn đề không mới và đã được làm rõ nhiều lần. 

Về vấn đề bị cáo Trương Mỹ Lan biện hộ bản thân không sử dụng trái phiếu là không có căn cứ bởi lẽ, bị cáo Bùi Văn Dũng (lái xe riêng của Trương Mỹ Lan) đã khai nhận rằng Dũng được Lan chỉ đạo nhiều lần đến Ngân hàng SCB để lấy tiền về và giao cho những người mà bị cáo Lan chỉ định. Hay như bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cũng khai nhận các lần giải ngân tiền đều phải xin ý kiến của bị cáo Trương Mỹ Lan, nếu không có ý kiến chấp nhận thì các bị cáo không làm được. Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, đã mất) khi cho lời khai tại cơ quan điều tra cũng cho biết việc phát hành gói trái phiếu An Đông là để sử dụng cho các công ty của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. 

Về việc bị cáo Lan và các bị cáo xin Hội đồng xét xử đánh giá lại cấu thành của tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, Viện Kiểm sát xét thấy mặc dù hành vi vận chuyển do các bị cáo thực hiện không phải dạng cơ học (mang, vác tiền qua biên giới) nhưng các bị cáo đã lợi dụng hoạt động thanh toán quốc tế của tổ chức tín dụng để dịch chuyển tiền tệ ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và nhận tiền tệ từ nước ngoài vào lãnh thổ của Việt Nam trái pháp luật. Đây là một phương thức phạm tội mới của hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, nên việc xét xử các bị cáo phạm tội này là có căn cứ. 

Đối với đề nghị gỡ bỏ kê biên các tài sản của bị cáo Lan mà không đảm bảo cho khoản vay nào tại Ngân hàng SCB, đại diện Viện Kiểm sát xét thấy căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện Ngân hàng SCB cũng là bị hại trong vụ án nên cần phong tỏa những tài sản này để phục vụ điều tra, xác minh nguồn gốc tài sản và đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo Lan.

Mặt khác, Viện Kiểm sát đánh giá cao tinh thần ăn năn hối cải, thành khẩn, khắc phục hậu quả của các bị cáo tại phiên tòa lần này, đặc biệt là bị cáo Trương Mỹ Lan. Các luật sư tham gia phiên tòa thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao. Diễn biến phiên tòa đảm bảo tinh thần dân chủ, tạo môi trường cho bị cáo trình bày thoải mái, bớt căng thẳng. Đây cũng là lý do trước đó trong phần nghị án, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên giảm nhẹ hình phạt cho Trương Mỹ Lan ở tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã khắc phục được 1/4 số tiền phải bồi thường cho giai đoạn 2 của vụ án.

Hồng Giang (TTXVN)
Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan được đề nghị giảm án
Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Trương Mỹ Lan được đề nghị giảm án

Ngày 3/4, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần đề nghị mức án của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với các bị cáo. Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) được đề nghị giảm án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN