Xe quá tải vùng ven đô Hà Nội, đâu là giải pháp xử lý triệt để?

Sau khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các xe chở vật liệu xây dựng quá tải lại hoạt động khá rầm rộ tại nhiều tuyến đường ven nội thành Hà Nội. Trước tình trạng này, Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội đang tập trung xử lý xe quá tải, nhất là khu vực vùng ven.

Đủ mọi lý do để chở quá tải

Từ cuối tháng 4/2020, theo phản ánh của người dân, nhiều xe quá tải chở vật liệu xây dựng chạy trên tuyến đường 21B gây mất an toàn giao thông. Do đó từ đầu tuần tháng 5, Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ (Thanh tra GTVT Hà Nội) đã bố trí lực lượng xử lý xe quá tải trên tuyến đường này.

Tại trạm cân di động đặt tại xã Liên Bạt (huyện Ứng Hòa), khi bị yêu cầu dừng xe, lái xe mang biển số 29H-141.83 tên là Nguyễn Văn Linh cho biết: "Trước tôi lái xe taxi, nay mới lái xe tải và tranh thủ chở vật liệu về xây nhà nên chở quá tải để giảm chi phí xăng dầu đi lại. Giấy tờ đang bị công an giữ do gây ô nhiễm môi trường… nên không đem theo”.

Chú thích ảnh
Kiểm tra xử lý xe chở quá tải tại tuyến đường 21B.

Còn các lái xe khác thì lặp đi lặp lại điệp khúc: “Tôi chỉ là lái thuê thôi chứ có phải chủ xe đâu mà có giấy tờ? Chủ xe bảo chở thì tôi chở” hoặc “Giấy tờ xe em đang để ở nhà".

Theo các thanh tra viên Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ, các lái xe biết rõ số tải trọng xe bởi khi rời các mỏ đá, bãi cát đều cân tải trọng để chủ xe thanh toán tiền với đối tác. Biết rõ là vi phạm nhưng vì lợi nhuận nên họ vẫn cố tình vi phạm.

Thống kê của Thanh tra GTVT Hà Nội, riêng trong tuần ra quân xử lý xe quá tải từ ngày 30/4 đến 6/5, lực lượng thanh tra GTVT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 101 trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa, phạt tiền hơn 395 triệu đồng; trong đó 11 trường hợp quá khổ, quá tải, phạt tiền 157,4 triệu đồng…

Ông Trần Nam Trung, Đội phó Đội Thanh tra giao thông cầu đường bộ Hà Nội cho biết: Còn có tình trạng, các chủ xe thuê người “canh” tại cổng cơ quan, xe đi hướng nào là điện thoại cho cánh lái xe “nằm im” trên các tuyến đường đó. Đó là chưa kể tuyến đường 21B có nhiều đường nhánh “xương cá”, biết lực lượng chức năng ở đâu là cánh lái xe chuyển hướng vào đường nhánh trốn lực lượng chức năng.

Khi bị xử lý, các lái xe cũng đối phó nhiều cách như không xuất trình giấy tờ, gọi nhiều đối tượng đến gây sức ép. “Bằng nghiệp vụ, có thể xác định ngay những xe nào đang chở quá tải. Thùng hàn cao quá quy định, tẩy xóa thông số xe trên thành xe… Để xử lý vi phạm phải có đủ thông số liên quan đến xe. Với những lái xe loanh quanh không chịu nộp giấy tờ xe để đối chiếu với tải trọng từ trạm cân, lực lượng chức năng chỉ cần tra biển số vào hệ thống mạng kiểm định và sẽ ra thông số và tải trọng của xe. Qua đó sẽ dễ dàng xác minh xử lý xe vi phạm. Đơn cử như xe quá tải 29H-141.83 bị xử lý vi phạm trên tuyến đường 21B chở quá tải lên tới 100%, lái xe tẩy hết các thông số tải trọng ghi trên cánh cửa xe”, ông Trần Nam Trung cho biết.

Đồng thời, để có số liệu tải trọng xe chính xác, hiện Đội Thanh tra giao thông cầu, đường bộ Hà Nội đã được trang bị trạm cân di động hiện đại với những xe tải trọng lớn…

Theo thống kê về xử phạt xe chở quá tải các năm qua cho thấy: Xe quá tải hoạt động mạnh khu vực vùng ven, chở vật liệu xây dựng từ hướng Hòa Bình về Hà Nội, chở cát tuyến ven đê… Còn từ hướng nội thành ra ngoài Hà Nội chủ yếu là xe chở phế thải vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường về bụi bẩn. Do hoạt động của xe quá tải trên 100% và thậm chí 200% nên nhiều tuyến đường Thủ đô xuống cấp. Ông Trần Nam Trung cho biết: Chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm. Những lỗi vi phạm quá tải này là cố tình chứ không phải vô tình vi phạm.

Tăng cường kiểm tra kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin

Về mức xử phạt, theo ông Trần Nam Trung, lỗi quá tải là một lỗi thường gặp với các xe chở hàng hóa và theo quy định của pháp luật hiện nay, mức phạt tiền đối với lỗi này rất nặng.

Chú thích ảnh
Cân xác định tải trọng xe vi phạm.

Cụ thể, theo Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải theo từng tỷ lệ như quá: 10%-30%; 30-50%; 50-100%; 100%-150% và trên 150%. Bên cạnh đó, khi xe vượt quá tải trọng cho phép thì không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt. Đối với trường hợp cụ thể xe 29H-141.83 khi đã được xác định quả tải 100% thì mức phạt với lái xe từ 7 triệu – 8 triệu đồng; chủ xe dạng cá nhân sẽ bị xử phạt từ 16 triệu - 18 triệu đồng; tổ chức sẽ bị xử phạt từ 32 triệu đồng đến 36 triệu đồng.

Mặc dù phạt nặng như vậy nhưng tình trạng xe quá tải vẫn ngang nhiên hoạt động trên nhiều tuyến đường của Thủ đô gây mất trật tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, hạ tầng giao thông xuống cấp, nhất là tuyến đường có cầu yếu...

Việc khó xử lý với những xe quá tải này được cho là một trong những nguyên nhân khiến chủ phương tình lách luật cố tình vi phạm. Trong khi đó, theo quy định, việc đặt trạm cân phải có mặt bằng nhất định. Việc ra quân thường phải thông báo trước với địa phương bởi liên quan đến yếu tố trật tự. Cùng với đó là sự bất hợp tác của chủ xe, việc đưa xe về bãi… Những vấn đề này khiến việc xử lý xe quá tải trọng gặp không ít khó khăn.

Để khắc phục hiện tượng này, cùng với việc xử lý vi phạm tại trạm cân di động, theo đề án sắp tới, Hà Nội sẽ lắp thí điểm trạm cân tự động trên một tuyến đường hay có xe vi phạm. Theo đó, xe chạy qua, xe nào quá tải sẽ bị ghi lại thông số và thời điểm. Việc ứng dựng công nghệ thông tin sẽ giúp vừa minh bạch thông tin và xử lý chính xác đối tượng vi phạm.

Theo ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra GTVT Hà Nội, hiện đơn vị xây dựng phương án phối hợp với các đội cảnh sát giao thông quản lý địa bàn, công an quận huyện, các địa phương và lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến mọi thành phần tham gia giao thông, đặc biệt đối với lái xe, chủ phương tiện tham gia hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn, trong đó có cả các chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô.

Lực lượng chức năng cũng phối hợp với chính quyền địa phương làm việc với chủ các bến bãi vật liệu, các công trình thi công, yêu cầu chấp hành đúng các quy định trong hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng, bùn đất, phế thải xây dựng, việc bốc xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải, tuyệt đối không xếp hàng làm quá tải phương tiện. Lực lượng liên ngành tăng cường bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến đường hay xảy ra tình trạng các phương tiện vi phạm về tải trọng, vệ sinh môi trường giao thông theo khảo sát hoặc theo phản ánh của người dân, cơ quan báo chí. Đồng thời, tổng hợp, thống kê các phương tiện tái phạm nhiều lần, các đơn vị có nhiều phương tiện vi phạm, báo cáo Sở GTVT có hình thức xử lý theo đúng quy định pháp luật, như: thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, thu hồi phù hiệu phương tiện, từ chối cấp giấy phép lưu hành trên địa bàn Thành phố..... ”, ông Trần Nhật Quang cho biết.

 

Bài và ảnh: XC/Báo Tin tức
Phát động 'Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2020'
Phát động 'Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2020'

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2020”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN