Hà Nội phát tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng đầu tiên đạt hơn 98%

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội: Đến nay, việc thực hiện cấp phát tiền hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng đầu tiên: Người có công (NCC) với cách mạng; bảo trợ xã hội (BTXH); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đã đạt hơn 98%.

Chú thích ảnh
Phát tiền hỗ trợ cho người có công trên địa bàn quận Đống Đa theo gói 62.000 tỷ đồng.

Cụ thể, thành phố Hà Nội đã thực hiện việc cấp phát cho 383.258/390.946 đối tượng, đạt hơn 98%. Trong đó, khối quận đã cấp phát cho 65.144/66.213 đối tượng, đạt 98,4%; khối huyện, thị xã cấp phát cho 318.114/324.733 đối tượng, đạt 98%.

Các trường hợp hiện chưa chi trả được phần lớn là do đối tượng vắng mặt tại nơi cư trú.

Một số quận, huyện, thị xã đã chi trả đạt 100% là: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai, Ba Vì, Sơn Tây. Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín.

Các quận, huyện chi trả đạt tỷ lệ 98% trở lên là: Nam Từ Liêm 99,9%, Long Biên 99,6%, Thanh Xuân 99,5%, Tây Hồ 98,9%, Hai Bà Trưng 98,6%, Ứng Hòa 98,4%, Đống Đa 98,3%, Chương Mỹ 98,3%, Quốc Oai 98%...

Hà Nội đang tiếp tục rà soát 3 nhóm đối tượng người lao động (NLĐ) còn lại được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng gồm: NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 42, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã có công văn đề nghị UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê cho kết quả 1.477.000 đối tượng NLĐ; trong đó có 840.000 người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên, sau khi có Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, đã tiến hành rà soát bổ sung theo hướng dẫn mới.

Bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng LĐ-TB&XH Hà Đông cho biết: “Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động, chúng tôi mong muốn Bộ LĐTB&XH, UBND TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn” – bà Loan đề nghị. Theo bà Loan, Quyết định 15 của Thủ tướng quy định rõ điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, trình tự, thủ tục, nhưng chưa có tiêu chuẩn chi tiết đối với lao động tự do. Cụ thể, trong nhóm công việc thứ 6 (tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe), lao động có quy mô kinh doanh khác nhau thì cần có hướng dẫn chi tiết, sát với thực tế từng trường hợp.

Còn theo bà Trần Thị Bích Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (Đống Đa), với lao động tự do mất việc làm thì căn cứ nào để xác định họ có thu nhập dưới mức 1,4 triệu đồng/tháng - là mức chuẩn nghèo đô thị, đang là vướng với nhiều chính quyền cơ sở và phụ thuộc nhiều vào xác nhận của tổ dân phố.

Do đó, để việc thống kê, rà soát đúng đối tượng, các phòng LĐ-TB&XH và các phường xã tại Hà Nội mong muốn thành phố Hà Nội và Bộ LĐ-TB&XH sớm có hướng dẫn để rà soát đúng và đủ đối tượng.

 

XM/Báo Tin tức
Hà Nội tập trung xử lý xe chở quá tải trọng
Hà Nội tập trung xử lý xe chở quá tải trọng

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang triển khai kế hoạch tăng cường xử lý xe chở quá tải trọng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN